Việt Nam thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển bền vững

Chiều 25/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững.

Nỗ lực trong việc ban hành cơ chế chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mở đầu phiên họp, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch với 30 ủy viên. Hội đồng cũng nghe công bố Quyết định về quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng - cho biết, Việt Nam được Liên hợp quốc và các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao về nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trên phương diện so sánh quốc tế, theo xếp hạng toàn cầu về chỉ số phát triển bền vững công bố năm 2024, Việt Nam đạt điểm số 73,32 và xếp thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng được công bố năm 2023. Trong khu vực Đông và Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan, cho thấy quốc tế đánh giá rất tích cực về thành tựu của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững.

Tại cuộc họp, các ủy viên Hội đồng đã đánh giá khái quát bối cảnh hiện nay đối với việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu, như Tổng thư ký Liên hợp quốc đã cảnh báo và kêu gọi Chính phủ các nước tăng cường hành động khi mà lộ trình hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững có khả năng khó thực hiện. Các ủy viên cũng thảo luận về những cơ hội và hành động của Việt Nam đồng hành với cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó trước những thách thức toàn cầu; hưởng ứng và chủ động triển khai các cam kết chung tại Hiệp ước tương lai vừa được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua; tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành và dự kiến chương trình hoạt động của Hội đồng năm 2025.

Các ý kiến bộ, ngành cũng cho thấy nỗ lực trong việc ban hành cơ chế chính sách để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Về cơ bản, các chính sách trên ngành, lĩnh vực đã tích hợp toàn diện phát triển bền vững, lồng ghép tốt hơn các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ để bảo đảm tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” và đồng thời hướng tới các mục tiêu, cam kết toàn cầu về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững còn gặp những khó khăn, thách thức như chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng và triển khai chưa đồng bộ; xu hướng đô thị hóa và di cư của người dân tạo sức ép lớn về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội; già hóa dân số tốc độ nhanh tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội. Thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh kế của người dân…

Tiếp tục thực hiện tốt hơn các kế hoạch, chương trình về phát triển bền vững

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay.

Việt Nam cơ bản ban hành đầy đủ các văn bản để tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam có nhiều điểm sáng về thực hiện phát triển bền vững, đạt các tiến bộ đáng kể về chấm dứt nghèo; về nước sạch và vệ sinh; về công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; về giảm bất bình đẳng trong xã hội;... Xếp hạng toàn cầu về chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam công bố năm 2024 có cải thiện so với năm 2023.

Đánh giá bối cảnh toàn cầu và trong nước, Phó Thủ tướng cho rằng, còn nhiều thách thức đối với tiến độ, chất lượng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, với nguy cơ nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là không đạt được; diễn biến tình hình thế giới và khu vực khó lường...

Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, tốt hơn nữa các chương trình, kế hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Từ khía cạnh ngành, lĩnh vực do mình quản lý, các bộ, ngành tham mưu cho Hội đồng trong tổ chức thực hiện chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách về phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành trong tham mưu, đề xuất thì bao quát rộng hơn, toàn diện hơn các lĩnh vực thuộc các chức năng, nhiệm vụ mà Hội đồng được giao, bao gồm cả các vấn đề vĩ mô liên ngành.

Phó Thủ tướng nhất trí năm 2025, sẽ tổ chức đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Việt Nam vì sự phát triển bền vững, đồng thời tham mưu Thủ tướng về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững.

Xuân Tùng (TTXVN)
Khai thác nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu phát triển bền vững
Khai thác nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu phát triển bền vững

Việt Nam hiện có 14,8 triệu ha rừng và đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42 - 43% đến năm 2030. Dự kiến, mỗi năm, cả nước sẽ trồng thêm khoảng 238.000 hecta rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN