Dù là lần đầu tiên đảm nhận cương vị quan trọng này, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến giúp giảm nhiệt căng thẳng xung đột tại các nước trên thế giới, có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại dấu ấn, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong bối cảnh khối lượng và nhịp độ làm việc tại HĐBA LHQ dày đặc và khẩn trương khi tình hình quốc tế luôn biến động không ngừng, trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của cơ quan quyền lực nhất LHQ này. Trong 2 năm 2008-2009, HĐBA đã tiến hành 1.500 cuộc họp ở các cấp (trung bình 2,5 cuộc/ngày), thông qua 113 nghị quyết, 165 tuyên bố chủ tịch và tuyên bố báo chí thuộc hơn 50 đề mục của chương trình nghị sự; xử lý nhiều vấn đề quốc tế và khu vực phức tạp. Các quyết định tại HĐBA thường khẩn trương, có khi chỉ trong vài ngày, đòi hỏi các thành viên phải có cơ chế quyết sách kịp thời, trong khi đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA.
Ngoài vai trò là ủy viên không thường trực, cùng 14 thành viên khác của HĐBA (trong đó có 5 ủy viên thường trực) tham gia thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề chung toàn cầu liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực và thế giới, Việt Nam còn được bầu làm chủ tịch và phó chủ tịch một số tiểu ban của HĐBA, hai lần làm chủ tịch tháng của HĐBA (tháng 7/2008 và tháng 10/2009), xây dựng báo cáo năm về công việc của cơ quan này, cũng như chủ trì soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh. Trong các cuộc họp của HĐBA, đại diện Việt Nam đã tham gia với thái độ, chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp có tính khả thi đối với những vấn đề được thảo luận. Nhiều ý kiến, đề xuất của Việt Nam đã được ghi nhận, đồng tình và được đưa vào các văn kiện của HĐBA. Là đại diện của châu Á, Việt Nam đã quan tâm thúc đẩy giải quyết hòa bình các vấn đề ở khu vực, ví dụ như châu Phi, Trung Đông. Trong hai lần là chủ tịch tháng của HĐBA, Việt Nam đều thúc đẩy thảo luận mở về vấn đề hòa bình Trung Đông.
Trong hai năm 2008-2009 tại HĐBA, Việt Nam triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực trong việc giải quyết xung đột, khủng hoảng trên thế giới, ủng hộ các giải pháp thông qua thương lượng hòa bình, hạn chế các biện pháp trừng phạt, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia và biểu quyết tại HĐBA về các vấn đề như chống chiến tranh, giải trừ quân bị, chống khủng bố, hạn chế việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đóng góp cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, đẩy lùi những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để can thiệp... Tuy chỉ trong 2 năm, song nhờ việc nghiên cứu và chuẩn bị lưỡng trong nhiều năm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua các hoạt động đối ngoại đa phương, Việt Nam đã làm tròn trọng trách của mình, thể hiện là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, đóng góp không nhỏ vào nỗ lực đảm bảo vẹn toàn an ninh, hòa bình thế giới.
Đánh giá về hoạt động của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực HÐBA nhiệm kỳ 2008-2009, tạp chí The Econimist (Nhà kinh doanh) của Anh nhận xét: Việt Nam đã tích cực thể hiện quan điểm và tìm giải pháp cho các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, Đại sứ Thomas Mayr- Harting, Trưởng Phái đoàn thường trực CH Áo tại LHQ thời điểm Việt Nam đảm đương cương vị ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, nhấn mạnh Việt Nam có thể hoàn toàn tự hào về sự hiện diện của mình tại HĐBA với việc thể hiện tốt trách nhiệm chính trị trong cơ quan này của LHQ. Theo ông Thomas Mayr- Harting, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam không chỉ đóng vai trò đại diện cho châu Á, thể hiện tốt tiếng nói của châu Á và của khu vực, mà còn đưa ra các vấn đề rất quan trọng khác như bảo vệ trẻ em, phụ nữ hòa bình và an ninh..., cho thấy vai trò tiên phong và trách nhiệm của Việt Nam đối với những vấn đề toàn cầu. Điều khiến bạn bè quốc tế ấn tượng là cách Việt Nam đưa kinh nghiệm tích lũy được và nền tảng lịch sử riêng của mình để giải quyết hiệu quả nhất công việc ở HĐBA, đồng thời Việt Nam là nước luôn đối thoại với các nước khác. Phương châm làm việc dựa trên đối thoại của Việt Nam tại HĐBA được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Nhà báo George Alan Baumgarten - một cây bút kỳ cựu chuyên viết về LHQ cho nhiều tờ báo quốc tế- cũng đã đánh giá cao 2 năm Việt Nam đảm nhận cương vị ủy viên không thường trực HĐBA. Ông nhận định trong 2 năm đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại dấu ấn, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales (Australia) Carl Thayer nhận xét, trong nhiệm kỳ năm 2008 - 2009, Việt Nam đã được Mỹ ca ngợi vì những đóng góp tích cực về các vấn đề then chốt như không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố.
Trong khi đó, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, nhắc lại thời điểm đó, Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong HĐBA, đặc biệt là việc ủng hộ Nghị quyết của LHQ về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Ông Malhotra nhấn mạnh sau thời gian này, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên cộng đồng quốc tế tích cực, triển khai nhiều chính sách, tham gia vào nỗ lực đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, như cử 63 sỹ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan, tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ giai đoạn 2014-2016, được lựa chọn vào Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL), một vai trò mới của Việt Nam trong 6 năm kể từ năm 2019...
Có thể nói chính những đóng góp tích cực của Việt Nam trên cương vị ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 đã tạo cơ sở để Việt Nam được các nước châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận cao giới thiệu làm ứng viên duy nhất ứng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 -2021. Nhiệm kỳ đầu tiên Việt Nam đảm đương trọng trách tại cơ quan quyền lực này không chỉ nâng cao hơn nữa vị thế và hình ảnh một đất nước Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, mà còn khẳng định Việt Nam có đủ năng lực để đóng góp chủ động, tích cực, giữ vai trò lớn hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Đây sẽ là hành trang và kinh nghiệm quý để Việt Nam tự tin tiếp tục đảm đương trọng trách tại HĐBA LHQ.