Tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh chia sẻ, ông cảm thấy áp lực khi hầu hết các Bộ và địa phương đề nghị cấp vốn đầu tư cho 5 năm tới vượt quá nhiều so với khả năng cân đối. Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 là thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, để nguồn vốn thực sự hiệu quả, chúng ta cần thay đổi ngay tư duy và cách làm, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Cần thay đổi tư duy và cách làmNhấn mạnh đến áp lực trong việc cấp vốn đầu tư cho các Bộ, ngành và địa phương. Bộ trưởng ví dụ: năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư hỗ trợ tối thiểu từ ngân sách Nhà nước 20.000 tỷ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA, nhưng Bộ chỉ bố trí được 2.000 tỷ đồng, còn lại phải đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ.
"Trong tay chúng ta có tất cả 35.000 tỷ đồng, riêng một Bộ đã cần đến 20.000 tỷ đồng. Trong 5 năm 2016-2020, Bộ Giao thông vận tải đề nghị vốn đối ứng là 71.000 tỷ đồng. Đây chỉ là Bộ Giao thông vận tải, chưa nói đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các dự án về thủy lợi…", Bộ trưởng chia sẻ.
“Do đó, chúng ta không thể làm được việc gì lớn, tất cả chỉ dàn trải. Cho nên, Quốc hội lần này muốn thay đổi quan điểm thông qua Luật Đầu tư công. Đây là một quyết tâm rất lớn, là một sự chuyển đổi mặc dù rất khó khăn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn mới, Bộ Kế hoạch & Đầu tư yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách làm, không thể tiếp tục theo cách cũ. Cụ thể, Thủ tướng sẽ ra văn bản về thứ tự ưu tiên bố trí vốn để đối ứng cho các dự án công - tư (PPP), ưu tiên thứ hai là vốn đối ứng cho dự án ODA.
Từ năm 2016, các bộ ngành địa phương muốn thực hiện các dự án ODA đều phải làm kế hoạch trước (cả 63 tỉnh, thành; đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, nếu không có danh mục ODA của các địa phương gửi lên, Thủ tướng sẽ không cho làm.
Kể cả những dự án đang làm cũng sẽ phải dừng lại để phê duyệt. Bộ trưởng yêu cầu phải tổng hợp, nêu rõ hiện nay đang có bao nhiêu dự án triển khai, tổng giá trị vốn, trong đó bao nhiêu là vốn nước ngoài, bao nhiêu là vốn đối ứng, khả năng cân đối như thế nào thì mới được duyệt.
Đối với những dự án mới đang ký cũng có thể dừng lại. Bởi vì, áp lực về vốn đối ứng nhiều quá. "Bản thân tôi ngồi đây trước khi ký không hiểu năm sau mình có bao nhiêu tiền. Nếu làm kế hoạch đầu tư trung hạn thì mới biết, còn không làm trung hạn thì không thể biết được. Năm nay giá dầu giảm, chắc gì đã có nhiều tiền. Năm sau tăng lên thì lại có tiền. Mỗi năm sát nút Thủ tướng mới lại quyết định. Như vậy làm sao làm kế hoạch đầu tư được, làm sao có hiệu quả được. Năm nào ăn năm ấy, mà công trình phải mất 5-7 năm mới hoàn thành. Cách làm như thế chỉ ở Việt Nam ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
5 ưu tiên phân bổ vốn đầu tư côngBộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nguồn vốn phân bổ trong 5 năm tới phải tuân theo trình tự theo 5 ưu tiên như sau: Ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án hợp tác công tư (PPP); Vốn đối ứng cho các dự án vốn ODA; Trả nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (từ 1/1/2015 sẽ không bố trí vốn kể cả vốn Trung ương và địa phương phát sinh nợ xây dựng cơ bản); Vốn cho những công trình chuyển tiếp, dang dở. Thứ năm, cân nhắc, xem xét các công trình khởi công mới.
Theo Bộ trưởng, thực hiện các quy định của Luật đầu tư công, các Bộ, ban, ngành địa phương cần lập kế hoạch trung hạn trong 5 năm chứ không phải 1 năm như trước đây. Nghiên cứu chủ trương đầu tư cho kỹ trước khi ra quyết định đầu tư bảo đảm đúng quy trình, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật dù đó là ở cấp nào.
Bộ trưởng nhấn mạnh, “Trước đây, theo Quyết định 60 là hỗ trợ theo phân chia giữa Trung ương, địa phương, hiện nay chúng tôi đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, giữ nguyên như cũ. Thứ 2, tất cả các nguồn vốn vẫn không thay đổi, tất cả tổng vốn 5 năm là như nhau, nhưng phải phân rạch ròi giữa Trung ương và địa phương. Chúng ra làm rõ ràng, minh bạch sẽ hạn chế tiêu cực".
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốnĐể ngăn chặn sai phạm trong sử dụng vốn đầu tư công, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư trực tiếp răn đe lãnh đạo các địa phương cũng như Sở Kế hoạch & Đầu tư trong việc lập kế hoạch, báo cáo lên cơ quan quản lý.