Triệt để xử lý, không có ngoại lệ đối với giả mạo xuất xứ hàng hóa

Chiều 15/11, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.

Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan...

Chú thích ảnh
Kiểm tra các sản phẩm được bày bán tại các showroom Seven.Am. Ảnh: QLTT.

Nhiều cơ sở được kiểm tra không đáp ứng tiêu chuẩn cấp C/O

Hiện nay, hoạt động cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được thực hiện bởi hai cơ quan là Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong đó tất cả các loại C/O ưu đãi về thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ Công Thương cấp. Trên cơ sở Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định về chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/11/2016, Bộ Công Thương ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp một số loại C/O.  

Thông tin tại buổi làm việc về tình hình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện 18 tổ cấp thuộc 10 chi nhánh và văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ở các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước đảm bảo phục vụ cho gần 9.000 doanh nghiệp xuất khẩu. Công tác cấp C/O của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam luôn tuân thủ các quy định trong Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

9 tháng năm 2019, tổng số lượng cấp C/O của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là 472.742 bộ, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi Hoa Kỳ áp thuế lên nhiều hàng hóa từ Trung Quốc từ năm 2018, nhận thấy làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chỉ đạo và hướng dẫn các tổ cấp C/O trên cả nước tăng cường kiểm tra hồ sơ chứng từ, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp lần đầu đề nghị cấp C/O để đánh giá đúng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp; quy trình sản xuất của doanh nghiệp có vượt qua gia công, chế biến đơn giản và đáp ứng quy tắc xuất xứ hay không.

Xác định nhiệm vụ phòng chống gian lận thương mại qua C/O là công việc thường xuyên, song hành với hoạt động cấp C/O, để việc cấp C/O đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, đồng thời ngăn chặn gian lận thương mại hiệu quả, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp như: Phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ nói chng và các hình thức xử phạt vi phạm khi gian lận xuất xứ nói riêng, cùng các nội dung liên quan; phối hợp với Tổng cục Hải quan có biện pháp phân loại mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ theo các tiêu chí; tăng cường kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp…

Kết quả, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã từ chối cấp C/O cho 30 sản phẩm (chiếm 11,5% tổng số lượng cơ sở sản xuất được kiểm tra), trong đó chủ yếu là các sản phẩm điện, điện tử như thiết bị thu phát sóng, dây cáp, đèn nền LCD, thiết bị điện tử trong xe tự hành... với lý do quy trình sản xuất không vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản. Đối với một số trường hợp chưa rõ ràng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ động lấy ý kiến của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan.

Sau khi được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tư vấn, hướng dẫn sử dụng các nguồn nguyên liệu của Việt Nam để đáp ứng các quy tắc xuất xứ, một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bị từ chối cấp C/O đã đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc chuyên dụng tại nhà xưởng hoặc thuê các đối tác trong nước gia công các nguyên liệu, bộ phận, linh kiện để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Không để lợi dụng việc tạo thuận lợi cấp C/O nhằm lẩn tránh vấn đề xuất xứ hàng hóa

Để có cơ sở phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành trong ngăn chặn gian lận thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thành lập Hội đồng tư vấn, cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O từ năm 2010. Các thành viên của Hội đồng là đại diện từ các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an… Định kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức các cuộc họp Hội đồng thông báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại, đề ra các biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý các vụ việc nổi cộm.

Hội đồng đã họp với sự tham gia của các thành viên và đại diện đến từ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xung đột thương mại và các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao như gỗ ván ép, các loại dây cáp, xe đạp…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, gần đây xuất hiện nhiều tình trạng gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa, gây ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Tổ công tác làm việc với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan để có những giải pháp cho vấn đề này. Trong 6 tháng năm 2019, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, những mặt hàng đang tăng mạnh so với cùng kỳ 6 tháng năm 2018 như xơ sợi tăng 92%; điện và thiết bị điện tăng 172%. Ông Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là một dấu hiệu cần quan tâm.

Gần đây các cơ quan báo chí, lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác đã phát hiện gian lận dưới nhiều hình thức, ngay cả gian lận xuất xứ hàng hóa Made in Vietnam, tiêu thụ hàng trong nước và hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Do đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, cần có xem xét, đánh giá nghiêm túc về vấn đề quản lý nhà nước, vấn đề cấp C/O do cơ quan Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tiêu thụ tại Việt Nam và sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, “đó là mục tiêu của chúng ta trong vấn đề quan điểm cấp C/O, nhưng chúng ta cũng phải làm rõ quan điểm không để lợi dụng việc cấp C/O để lẩn tránh vấn đề phòng vệ thương mại, lẩn tránh vấn đề xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ hàng hóa để mang một thương hiệu mà thực sự thương hiệu đó có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như tổng quan chung của chúng ta”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, những hành vi mang tính tiêu cực này sẽ gây hệ lụy, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, tình hình sản xuất… của hàng hóa được cấp C/O từ Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư. Thông qua các cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với các hiệp hội, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về từng vụ việc, các cơ quan đã đề xuất nhiều giải pháp xử lý về thể chế nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất để có tiếng nói chung trong việc cấp C/O nhưng vẫn phải đảm bảo hai mục tiêu, nguyên tắc xuyên suốt: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp song đồng thời phải chống việc lợi dụng cấp C/O.

Về nguy cơ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo về tình hình cấp C/O và giao Bộ Tài chính báo cáo về tình hình kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trong 6 tháng năm 2019. Truyền đạt tinh thần của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan liên quan kịp thời nghiên cứu, phát hiện các vướng mắc về thể chế, chính sách, thực thi công vụ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt và có biện pháp cứng rắn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị có trách nhiệm cần thực thi các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, triệt để xử lý, không có ngoại lệ đối với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ.

Hiền Hạnh  (TTXVN)
Lấp lỗ hổng pháp lý ngăn chặn gian lận xuất xứ thương mại
Lấp lỗ hổng pháp lý ngăn chặn gian lận xuất xứ thương mại

Chiều 15/11, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Hà Nội), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN