Thông qua Nghị quyết làm thêm giờ trong bối cảnh dịch COVID-19

Chiều 23/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đồng tình với Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 567/BC-UBXH15, đề nghị cân nhắc đề xuất tên gọi của Nghị quyết cần được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất chỉnh lý tên gọi của dự thảo Nghị quyết như sau: “Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.     

Về việc mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong 1 năm (Điều 1), nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng áp dụng thời giờ làm thêm trong năm không quá 300 giờ tại Nghị quyết này và đề nghị loại trừ những đối tượng lao động đặc biệt như người lao động chưa thành niên từ 15-18 tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm....

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH và đa số ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý Điều 1 của dự thảo Nghị quyết theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm theo Nghị quyết này như sau: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức thời gian làm thêm là không quá 400 giờ trong 1 năm. Về vấn đề này, Ủy ban Xã hội cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án Bộ luật Lao động năm 2019, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến trực tiếp người lao động và khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế về thời giờ làm thêm; các vị đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến nhiều lần về nội dung này. Bên cạnh đó, phương án nâng mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 năm lên không quá 400 giờ cũng đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc kỹ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết và thấy rằng, việc nâng lên mức 400 giờ là chưa phù hợp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo xin phép được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Về thời giờ làm thêm trong 1 tháng (Điều 2), về mức trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tiếp tục có 2 loại ý kiến như sau:

Loại ý kiến thứ nhất (của Ủy ban Xã hội) cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao mà chưa cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ thuyết phục, đề nghị chỉ nên nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá không quá 60 giờ, tương ứng với việc được áp dụng thời gian làm thêm tối đa trong 1 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%). Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.  

Loại ý kiến thứ hai đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Do còn hai loại ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên UBTVQH về hai phương án này. Kết quả 13/18 đồng chí tán thành phương án 1; 5/18 đồng chí tán thành phương án 2.  

Trên cơ sở kết quả biểu quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến của đa số thành viên UBTVQH và thể hiện Điều 2: “Số giờ làm thêm trong 1 tháng trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng”.

Về tổ chức thực hiện (Điều 3), một số ý kiến UBTVQH và các Ủy ban đề nghị bổ sung quy định về tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc bảo vệ sức khỏe của người lao động và hạn chế việc làm thêm giờ; đề nghị ngoài việc thực hiện theo Nghị quyết này thì vẫn cần phải bảo đảm việc thực hiện các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động.     

Tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các cơ quan, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý theo hướng bổ sung Điều 3 về tổ chức thực hiện để quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành, địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc hướng dẫn, triển khai thi hành; chăm lo, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên; hỗ trợ và tăng cường các chế độ phúc lợi cho người lao động để cùng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; trách nhiệm của người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ…     

Có ý kiến đề nghị có giải pháp trong trường hợp có sự phản ứng của người lao động khi tăng giờ làm thêm. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tăng cường tuyên truyền, thông tin để tạo sự đồng thuận khi thực hiện Nghị quyết.

Về hiệu lực thi hành (Điều 4), nhiều ý kiến UBTVQH và các Ủy ban đề nghị hiệu lực của Nghị quyết thực hiện theo hiệu lực theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021; trong trường hợp nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, Chính phủ xin kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 thì thời hạn của Nghị quyết này cũng kéo dài theo. Có ý kiến đề nghị hiệu lực của quy định về làm thêm trong năm được tính từ ngày 1/1/2022. Bên cạnh đó, trong quá trình chỉnh lý, có ý kiến đại biểu cho rằng, việc quy định về thời điểm hiệu lực thi hành đối với thời giờ làm thêm tối đa trong tháng gắn với ngày thông qua Nghị quyết thì sẽ dẫn đến việc khó xác định được số giờ làm thêm tối đa của tháng 3 và tổng số giờ làm thêm tối đa của những ngày còn lại trong tháng 3 khi doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết này ngay từ thời điểm thông qua.  

Tiếp thu ý kiến góp ý, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất quy định Nghị quyết có hiệu lực bắt đầu từ 1/4/2022; quy định về thời giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và thể hiện tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết. Thời điểm hết hiệu lực sẽ theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021của Quốc hội.  

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông chưa nhận được bất kỳ văn bản của hiệp hội hay doanh nghiệp nào đề nghị tăng lên 72 giờ, trong khi hậu COVID-19 nhiều người dân cũng gặp tình trạng sức khỏe khó khăn, bị mất ngủ, hụt hơi, không thể duy trì lại trạng thái tâm lý, sức khỏe bình thường được.  

"Chúng ta xây dựng quan hệ lao động phải hài hòa giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cần có đánh giá đầy đủ nếu không thì không chỉ ảnh hưởng vấn đề lao động, việc làm mà còn ảnh hưởng đến chính trị, xã hội", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý và đề nghị xem xét thận trọng vì đây là quyết sách có tính tổng hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: Mục tiêu xuyên suốt của chúng ta là tăng lương, giảm giờ làm đối với người lao động. Chúng ta nói: “Dịch COVID-19 là cơ hội để chúng ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, vậy chẳng lẽ bây giờ cứ tăng giờ làm lên trong khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị tăng trưởng thì lại không thấy đề cập? Trong khi đó, Chính phủ cũng đặt ra nguyên tắc không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người lao động lấy tăng trưởng. “Vậy chúng ta giải quyết vấn đề mâu thuẫn này như thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu câu hỏi.

“Tôi đồng tình không quá 60 giờ trong 1 tháng như hiện nay là phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.  

Kết thúc Phiên thảo luận, 100% các đồng chí trong UBTVQH có mặt đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

V.Tôn/Báo Tin tức
Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Sáng 23/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN