Tờ trình về dự án luật cho biết, việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án hiện có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là phù hợp và cần thiết. Lý do là, trong vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử. Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để xét xử. Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, không đánh giá đầy đủ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì có thể khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Cho ý kiến tại tổ, đối với vụ án dân sự, hành chính, đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) tán thành với quy định của dự án Luật về bỏ quy định thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc, xem xét đối với trường hợp đương sự không thể và không có khả năng để thu thập chứng cứ (như thu thập chứng cứ ở nước ngoài). Do đó, để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện Luật, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung vào khoản 2, Điều 15 như sau: “Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính trong trường hợp đương sự không thể thu thập chứng cứ và yêu cầu thì Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ".
Về không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa, đại biểu Phạm Thị Xuân tán thành với việc bỏ quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa, bởi vì, để quyết định khởi tố vụ án hình sự thì phải xác định được có dấu hiệu tội phạm. Muốn xác định dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh, củng cố chứng cứ làm cơ sở cho việc khởi tố. Trong khi đó, Hội đồng xét xử chỉ thực hiện chức năng xét xử, không có đủ điều kiện thực hiện các hoạt động xác minh dấu hiệu tội phạm làm căn cứ khởi tố vụ án.
"Tòa án ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó lại xét xử chính vụ án do cơ quan mình khởi tố sẽ khó bảo đảm sự khách quan trong quá trình giải quyết vụ án" - đại biểu phân tích.
Trong thực tiễn, khi phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, Hội đồng xét xử thường quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung để xem xét việc khởi tố. Thực tế hiện nay số lượng các vụ án hình sự do Hội đồng xét xử trực tiếp khởi tố cũng rất ít.
Phát biểu góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) cho biết, về quy định thu thập chứng cứ, trước đây quy định nghĩa vụ thu thập chứng cứ thuộc về Tòa án, còn bây giờ theo dự thảo Luật sửa đổi thì nghĩa vụ thu thập chứng cứ thuộc về đương sự. Ông Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh, trong các vụ án dân sự, quy định sửa đổi như dự thảo luật là rất khoa học và khách quan, đồng thời giảm được nhiều tiêu cực trong thực tế.
“Qua tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, đa phần các nước quy định, việc thu thập chứng cứ thuộc về đương sự, còn Tòa án chỉ là nơi nhận chứng cứ đó. Nếu đủ chứng cứ rồi thì Tòa ra phán xét” - đại biểu Chính thông tin thêm.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết thêm, dự thảo Luật Tòa án nhân dân sửa đổi đã được chuẩn bị rất công phu, ban soạn thảo dự luật đã chuẩn bị hơn 2 năm nay, đã xin ý kiến tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ý kiến của các bộ, ngành liên quan.