Thảo luận về Đề án lấy phiếu tín nhiệm và dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 11, ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).


 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến.

 

Thảo luận đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm..., UBTVQH cơ bản tán thành: Việc xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; đồng thời, tham mưu, giúp Quốc hội, HĐND tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống. Việc xây dựng đề án cũng phù hợp với yêu cầu và để triển khai Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, giao UBTVQH xây dựng Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012).


UBTVQH đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Các nội dung được tập trung thảo luận là: Phạm vi những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; định kỳ lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, mức độ thể hiện sự tín nhiệm; định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm; xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm...


Đa số ý kiến tán thành với phương án đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu tổng quát của Nghị quyết Trung ương 4 là tập trung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Ở Trung ương là từ cấp Bộ trưởng trở lên, ở địa phương gồm thường trực HĐND và các thành viên UBND. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ có tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.


Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến tán thành việc tiến hành định kỳ hàng năm theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Có ý kiến đề nghị chỉ lấy phiếu tín nhiệm từ năm thứ hai kể từ năm được bầu hoặc phê chuẩn và không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Cũng có ý kiến đề nghị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ vào giữa và cuối nhiệm kỳ.


Liên quan đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm để làm căn cứ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm và thực hiện công tác cán bộ, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự khác nhau giữa hai cấp độ “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hai giai đoạn trong một quy trình dân chủ, chặt chẽ, công khai. Lấy phiếu tín nhiệm nhằm xin ý kiến thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và luật. Hai tiêu chí cơ bản làm cơ sở cho việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm gồm: Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc. Mức độ thể hiện sự tín nhiệm được chia theo các mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.


Tán thành sự cần thiết của việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh cần rất thận trọng, chặt chẽ, có bước đi phù hợp để vừa đạt hiệu quả vừa giữ sự ổn định, đúng độ, không gây xáo trộn; tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ với quy trình, thủ tục, cách thức đơn giản, rõ ràng, tránh hình thức.


lThảo luận về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), một số ý kiến tán thành dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Chính phủ cho rằng, trong điều kiện hiện nay mức đầu tư tối thiểu 2% là hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là ngoài việc huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (chủ yếu là từ doanh nghiệp) cho phát triển KH&CN, cần phải đổi mới việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trong những giai đoạn tới, khi điều kiện cho phép thì việc tăng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức 2% là cần thiết để thúc đẩy hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động KH&CN.


Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH&CN là cơ quan thẩm tra dự án luật cũng nhất trí với quy định tại khoản 1 Điều 53 về bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho KH&CN tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, trong dự thảo luật cần quy định tỷ lệ nguồn đầu tư ngoài ngân sách cần đạt trên 50% tổng mức đầu tư xã hội cho hoạt động KH&CN. Dự thảo luật cũng cần quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KH&CN hoặc hình thành quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đồng thời quy định phù hợp hơn và tạo sự chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn kinh phí này; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư cho các tổ chức KH&CN trọng điểm như phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia…


Tại phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về việc áp dụng chế độ khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN; vấn đề nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước được cấp, sử dụng kinh phí thông qua các quỹ của nhà nước trong lĩnh vực KH&CN, hoặc theo cơ chế tài chính áp dụng đối với quỹ trong lĩnh vực KH&CN...

Thanh Hòa - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN