Theo thống kê nhiều năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho thấy, đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt (bão chồng bão, mưa chồng mưa, lũ chồng lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Thủ tướng đã tới thăm, tìm hiểu đời sống, hoạt động dạy và học của cô và trò Trường mầm non Hiền Ninh, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh – 1 trong những huyện bị ngập nặng nhất. chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình. Tiếp đó, Thủ tướng đã tới thăm, tìm hiểu khó khăn, thực trạng đời sống, sinh hoạt và công việc của bà con nhân dân thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, Chia sẻ khó khăn của bà con, Thủ tướng tặng quà và chỉ đạo các lực lượng chức năng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh tập trung mọi nhân vật lực tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đảm bảo nhu yếu phẩm, đặc biệt là sớm ổn định lại trường lớp, để học sinh nhanh chóng trở lại trường học; sớm ổn định, khôi phục đời sống của bà con, nhân dân trong vùng.
Ngay sau khi thị sát, làm việc với lãnh đạo 6 tỉnh miền Trung tại thành phố Đồng Hới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian qua bà con nhân dân miền Trung hứng chịu hậu quả to lớn của trận lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người với 119 người thiệt mạng, đặc biệt là có nhiều cán bộ sỹ quan Quân đội, hiện vẫn mất tích 21 người. Thiệt hại tài sản rất lớn, nhất là về cơ sở vật chất, giao thông, trường học. Nhiều gia đình trắng tay sau lũ…
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chia sẻ sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến đồng bào, cán bộ chiến sỹ miền Trung; đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục tốt hơn nữa hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác vào miền Trung, phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ; xử lý kịp thời nhu cầu nhu yếu phẩm, thuốc men, trang thiết bị cần thiết phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng Quân đội, Công an, cấp ủy chính quyền các tỉnh miền Trung đã có hành động kịp thời, quán triệt tinh thần 4 tại chỗ trong khắc phục mưa lũ, đảm bảo giao thông, tìm kiếm cứu nạn. Đảng bộ, chính quyền nhân dân các tỉnh miền Trung đã “gồng mình” trong mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân. Thủ tướng cũng đặc biệt hoan nghênh và biểu dương tinh thần “tương thân tương ái” của đồng bào, nhân dân cả nước đã đóng góp, công sức, tài sản chia sẻ với đau thương mất mát của bà con các tỉnh miền Trung trong lúc thiên tai, hoạn nạn với tinh thần nhân ái cao cả. Cùng với đó đó các tổ chức thuộc MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã “lăn xả” trong hoạt động cứu trợ chia sẻ với bà con vùng lũ.
Thủ tướng cũng đánh giá cao các cơ quan Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4 đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm với các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, do mưa lũ kéo dài, gây hậu quả nặng nề nên hiện nay, nhiều xã trên địa bàn miền Trung vẫn còn ngập trong mưa lũ, đi lại của nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại Rào Trăng 3 vẫn còn nhiều công nhân mất tích. Do đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan, bộ ngành, địa phương cần rút ra bài học trong công tác phòng, chống lũ lụt thời gian qua; đồng thời xác định những “việc cần làm ngay” để đảm bảo đời sống của người dân; không để người dân đói, rét và lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”, sớm đảm bảo cho học sinh trở lại nhà trường.
Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, cơ quan trên cơ sở trách nhiệm của mình, tăng cường các hoạt động phối hợp, hỗ trợ các tỉnh miền Trung trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, trong gần một tháng qua, tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 5, 6, 7) và 2 áp thấp nhiệt đới đã gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài; tổng lượng mưa phổ biến trên l.000mm. Lũ lớn, đặc biệt lớn xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó có 4 tuyến sông lũ đã vượt mức nước lũ lịch sử gây ngập lụt trên phạm vi rộng, làm 317.597 hộ/1.200.916 người bị ngập tại 427 xã thuộc 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam và kéo dài ngày (nơi dài nhất 15 ngày); trong đó Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với 109.254 hộ/437.016 người, có nơi ngập sâu đến 2-3 m (các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh).
Do mưa đặc biệt lớn kéo dài đã gây sạt lở đất khu vực miền núi hết sức nghiêm trọng (268 điểm sạt lở); đặc biệt là sạt lở núi nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm số 67, tỉnh Thừa Thiên Huế và một số khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Theo thống kê bước đầu của các địa phương, mưa lũ đã làm 119 người chết 21 người mất tích; 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng; 1.325 ha lúa và 12.479 ha hoa màu bị hư hại; 6.824 con gia súc, 937.823 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 20,2 km đê kè; 116km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 43km bờ sông, bờ biển bị sạt lở 16 tuyến Quốc lộ/163,15km và 161,88km đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng... Hiện các địa phương đang tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại.
Đợt thiên tai này đã gây ra thiệt hại rất lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng cơ sở sản xuất; phải mất rất nhiều công sức, thời gian, tiền của mới phục hồi, tái thiết lại được.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng nhìn nhận, thông qua công tác chỉ đạo ứng phó khăc phục đợt mưa lũ lịch sử này có thể rút ra một số vấn đề cần lưu ý như: Mặc đù đã nắm bắt được sớm tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, chỉ đạo đúng, trúng thậm trí đúng thời điểm, địa bàn. Tuy nhiên do mưa lũ dài ngày cực đoan, công tác dự báo, cảnh báo sạt lở đất, lũ quét mới chỉ dự báo trên phạm vi rộng chưa khu trú được những khu vực hẹp, cụ thể để kịp thời phòng, tránh nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Mặc dù các địa phương đã vào cuộc sớm, quyết liệt và chủ động trong thông tin cảnh báo đến người dân về mưa mực nước lũ, cũng như công tác sơ tán dân để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, do diện ngập lụt rất rộng, ngập sâu nên một số địa bàn không có vị trí để di dời dân đến nơi an toàn. Mặt khác, một số nơi thông tin cảnh báo chưa đến được hết người dân nên vẫn còn tình trạng người dân ở lại nhà khi lũ lên cao; một số nơi lấy mực nước lũ lịch sử đã xảy ra để chỉ đạo phòng, tránh (như kê kích vật dụng, bảo quản lương thực...), khi mực nước lũ vượt lịch sử thì không phản ứng kịp dẫn đến bị thiệt hại như thóc, gạo, vật dụng sinh hoạt... Mặc dù có chuẩn bị lương thực nhưng do ngập lụt, mất điện, thiếu các vật dụng như bếp để đun nấu nên việc sinh hoạt của bà con vùng ngập hết sức khó khăn.
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương báo cáo và ý kiến đại diện các bộ, ngành, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhờ sự chủ động, kịp thời, huy động nhiều phương tiện, lực lượng của các bộ, ngành, địa phương nên thiệt hại từ lũ lụt đã được hạn chế. Tuy nhiên, do thiên tai diễn ra quy mô lớn, cường độ cao nên vẫn gây ra những hậu quả to lớn cho đất nước và nhân dân ta trong năm 2020.
Đặc biệt, qua lũ lụt, thiên tai, ngoài tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân miền Trung. Đó là một truyền thống quý báu của nhân dân, Đảng, chế độ và dân tộc ta. Đây là điều hết sức đáng quý, cần được trân trọng, Thủ tướng nói.
Về những kinh nghiệm cần rút ra sau mưa lũ, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, người dân và doanh nghiệp về thiên tai; trong đó nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường năng lực dự báo thiên tai, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ dự báo, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề này.
Thủ tướng cũng chỉ đạo lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiêm túc thực hiện cắt giảm khí thải nhà kính. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng đảm bảo cuộc sống bình thường cho nhân dân trong vùng lũ lụt. Đi liền với đó là đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là thời vụ, giống cây trồng… cần được cấp phát sớm để người dân canh tác kịp thời. Bên cạnh đó là vận động cả hệ thống chính trị “xắn tay áo” hỗ trợ người dân trong tái thiết cuộc sống.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương xác định trách nhiệm cụ thể hỗ trợ các địa phương vùng lũ trong các mặt: Sản xuất, nông nghiệp, y tế; không được để người dân thiếu đói, dịch bệnh, “màn trời chiếu đất” và phải sớm để trẻ em trở lại trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động trong ngành giáo dục cả nước huy động sách giáo khoa cho trẻ em vùng lũ đến trường.
Thủ tướng cũng đề cập đến yêu cầu phát triển thủy điện theo quy hoạch, an toàn, hạn chế không phát triển thêm cơ sở mới. Đẩy mạnh trồng rừng với các loại cây có rễ bám sâu, khổ lớn để giảm thiểu hậu quả thiên tai; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để đối phó với sạt lở đất, thông tin kịp thời hơn đến người dân.
Khẳng định, Chính phủ sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, các nhà tài trợ, giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan về một số điểm còn bất hợp lý để tạo điều kiện cho các hoạt động tài trợ. Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tài trợ trực tiếp đến các địa bàn bão lũ để cứu trợ; đồng thời cũng lên án những hành vi đánh bóng hình ảnh trong vấn đề này.
Thủ tướng cũng nhắc nhở các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão số 8 và đặc biệt là bão số 9, chủ động hơn nữa trong ứng phó để hạn chế thiệt hại.