Bày tỏ quan điểm bên hành lang Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh nội dung trong Quy định mới là rất cần thiết. Quy định số 41-QĐ/TW đã được nghiên cứu, chắt lọc rất kỹ từ thực tiễn; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian tới.
Xử lý kịp thời những trường hợp cán bộ vi phạm, bị giảm sút về uy tín, năng lực
Đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ để thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiềng Giang) cho rằng, điều này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta trong việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung. Đặc biệt, Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo đại biểu, Quy định 41-QĐ/TW lần này cơ bản vẫn kế thừa và tiếp nối tinh thần của Quy định 260-QĐ/TW nhưng trong nội hàm có sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn, sát với thực tiễn, nhất là triển khai việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, sát hơn với thực tiễn hiện nay, hiệu quả hơn trong thực hiện công tác cán bộ.
Đặc biệt, trong quy trình xem xét, miễn nhiệm, từ chức lần này quy định rõ thời gian là chậm nhất 10 ngày làm việc kể từ khi có đủ căn cứ (quy định 260-QĐ/TW là 30 ngày), giúp các cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý và trường hợp cần thiết phải có lý do khách quan mới được kéo dài nhưng cũng không quá 15 ngày. Đại biểu tỉnh Tiền Giang cho rằng, điều này thể hiện quyết tâm, sự nghiêm túc, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý kịp thời những trường hợp cán bộ vi phạm, bị giảm sút về uy tín, năng lực, không còn đáp ứng được yêu cầu công việc, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, củng cố niềm tin của nhân dân…
Nhiều đại biểu đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, một trong những điểm mới của Quy định 41-QĐ/TW là căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức rất chi tiết, cụ thể. Theo đó, Điều 5 ghi rõ, căn cứ để xem xét miễn nhiệm các trường hợp: Nếu cán bộ, lãnh đạo có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm…
Tại Điều 6 của Quy định cũng nêu rõ, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ xếp vào diện xem xét cho xin từ chức…
Dư luận cho rằng, đây có thể được coi là một bước để tạo ra được một thông lệ tiến dần tới văn hóa từ chức được người dân rất ủng hộ. Phân tích về nội dung này, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, quy định về miễn nhiệm, từ chức được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Dựa trên những kinh nghiệm trong và ngoài nước, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra những quy định này từ hơn 10 năm nay, để bây giờ có những đúc kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện. Đây là một bước tiến mới, đã kế thừa những bài học tốt đạt được trong việc thực hiện Quy định 260-QĐ/TW trước đây.
"Cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, những vấn đề về công tác cán bộ, các thể chế quản trị đất nước cũng được các quốc gia chia sẻ, đó là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quyết định thay thế Quy định lần này”, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho biết.
Công tác quản lý cán bộ thực chất, nghiêm túc hơn
Từ những bài học chưa thành công đã giúp chúng ta tổng kết và có được kinh nghiệm về công tác cán bộ. Bên cạnh đó, tư duy, quan điểm mới của Đảng về nội dung này cũng được thể hiện qua các Nghị quyết của Trung ương. Một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa qua, là làm sao trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa thách thức và cơ hội đang đan xen mà có thể tận dụng được cơ hội, khắc phục thách thức, từ đó lựa chọn, rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu phẩm chất mới.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, mỗi cán bộ có những năng lực, phẩm chất khác nhau, tùy vào môi trường, điều kiện. Vì vậy, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng lại yêu cầu một hệ thống cán bộ mới với những phẩm chất, yêu cầu đòi hỏi về chất lượng cao hơn. Bên cạnh việc xác định trách nhiệm người đứng đầu, theo đại biểu cần phải có cách để bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại biểu thành phố Hải Phòng cho hay, dù Quy định 41-QĐ/TW đã có nhiều thay đổi về lượng và chất, nhưng cũng cần phải khéo léo trong việc áp dụng để tránh có sự lợi dụng hoặc triển khai một cách máy móc, nguyên tắc…
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc ban hành Quyết định 41-QĐ/TW rất kịp thời và đúng lúc, được đông đảo tầng lớp nhân dân và cán bộ đảng viên rất vui mừng, ủng hộ. Theo đại biểu, thời gian qua có nhiều cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực hạn chế, để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí đã bị xử lý kỷ luật, nhưng người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ bị nhắc nhở, chức vụ vẫn giữ nguyên là không phù hợp.
Theo đại biểu, Quy định 41-QĐ/TW cho thấy, việc miễn nhiệm với những cán bộ này là rất đúng với thực tiễn, góp phần giúp công tác quản lý cán bộ thực chất, nghiêm túc hơn, lấy lại lòng tin cho cán bộ, đảng viên. “Trước đây nhiều cán bộ sau khi bị cảnh cáo lại được điều chuyển sang vị trí quản lý khác khiến dư luận rất tâm tư”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, để công tác cán bộ đạt hiệu quả cao, Quy định 41-QĐ/TW phải được triển khai sâu rộng đến tận cán bộ, đảng viên ở cơ sở để nắm vững nội dung, từ đó áp dụng vào thực tế linh hoạt, hiệu quả…