* Cho ý kiến vào Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng
Sáng 14/10, tại phiên họp thứ ba, Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về lương của ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012.
Về lương của ngành Bảo hiểm Xã hội, báo cáo của Chính phủ cho thấy giai đoạn trước khi thực hiện Luật BHXH , nguồn kinh phí hoạt động của toàn hệ thống hàng năm được trích từ tiền sinh lời do thực hiện biện pháp bảo toàn các quỹ, theo tỷ lệ phần trăm trên số thực thu BHXH và BHYT hàng năm. Mức chi tiền lương bình quân toàn ngành là 2,0 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Thực tế giai đoạn này, ngành BHXH đã tiết kiệm chi phí để bổ sung thêm tiền lương cho cán bộ, viên chức từ 1,0 - 1,5 lần và trích lập các quỹ theo quy định, qua đó góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cán bộ, viên chức trong toàn ngành.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội đánh giá việc quy định một tổ chức sự nghiệp nhưng thực hiện chi phí như cơ quan hành chính nhà nước tạo nên sự thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật là một trong những nguyên nhân nảy sinh bất cập trong quá trình thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam. Khối lượng công việc mà ngành BHXH đang đảm nhận là khá lớn và phức tạp. Kinh phí chi bảo đảm hoạt động của ngành lấy từ các nguồn khác nhau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế, nhưng việc giao biên chế không thể chia tách nên toàn bộ khoản chi hoạt động đều lấy từ lãi đầu tư bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Việc điều chỉnh tăng mức thu nhập cho cán bộ BHXH cốt lõi là tăng năng suất lao động và hiệu quả hoạt động, ngăn ngừa tiêu cực và giữ được cán bộ. Nhiều ý kiến nhìn nhận thang bảng lương thì ổn định nhưng phụ cấp lại rất khác nhau, dẫn đến làm việc như nhau mà thu nhập không giống nhau, gây ra những vấn đề bức xúc. Vì vậy, cần phải cải cách tiền lương triệt để.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị việc chỉnh sửa lương cho ngành BHXH phải đảm bảo tính thống nhất bởi liên quan đến nhiều luật và chính sách khác nhau. Vấn đề quan trọng hơn là Luật BHXH phải làm sao để toàn dân được tham gia bảo hiểm, chính sách chi và thu phải đảm bảo ăn khớp, hết sức coi trọng việc bảo toàn quỹ BHXH.
Về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012, các ý kiến cho rằng chương trình giám sát phải gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và thực tiễn cuộc sống đặt ra đang là những vấn đề bức xúc. Quốc hội chỉ giám sát những lĩnh vực tầm quốc gia, những lĩnh vực tầm bộ, ngành nên giao cho Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban. Nhiều ý kiến nghiêng về việc chuyển chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của Quốc hội sang cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đa số Thường vụ Quốc hội thống nhất cần giám sát tối cao ở lĩnh vực đầu tư công bởi đây là vấn đề đang nổi lên, liên quan đến tình hình lạm phát hiện nay.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị giám sát đầu tư công nên tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân xem phần đầu tư cho mặt trận này đã thỏa đáng chưa, tiền ngân sách chi ra để thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đã đáp ứng chưa, chính sách đề ra đã phù hợp chưa, rút kinh nghiệm những mặt chưa tốt, kể cả vấn đề phân bổ ngân sách của Quốc hội. Giám sát đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng lúc giải quyết cả vấn đề vĩ mô và cân đối ngân sách.
Một chuyên đề nữa được nhiều ý kiến đề xuất vào chương trình giám sát của Quốc hội là vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trong đó có nội dung liên quan đến khiếu nại tố cáo về tranh chấp, gắn với pháp luật sửa đổi Luật Đất đai.
* Chiều 14/10, phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc sau khi thảo luận, cho ý kiến về hai Báo cáo của Chính phủ về: Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) và Kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2011, Ủy ban Tư pháp cho rằng: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp PCTN, qua đó góp phần khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách cũng như các khâu tổ chức thực hiện pháp luật; nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng, ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy vậy, việc giảm thủ tục hành chính ở nhiều nơi còn hình thức. Vi phạm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn còn. Tiến độ thực hiện cải cách tiền lương chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có cơ chế kiểm soát việc kê khai thu nhập, tài sản, xử lý đối với tài sản tăng lên bất thường nếu không chứng minh được sự minh bạch, hợp pháp...
Đồng tình với những kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần đề ra những giải pháp khắc phục cụ thể, thiết thực, khả thi và có hiệu quả, nhất là xác định rõ hơn trách nhiệm của các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần phân tích rõ những mặt được, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức chống tham nhũng hiện nay, trong đó đánh giá sâu về hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN và các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2011, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về THTK, CLP được tăng cường rõ nét và quyết liệt hơn so với năm trước. Công tác cải cách hành chính nói chung có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian giải quyết công việc của cán bộ công chức và nhân dân. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần tiết kiệm, hạn chế thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, tình trạng lãng phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật THTK, CLP vẫn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau. Vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển vẫn là vấn đề nhức nhối, còn nhiều thất thoát, lãng phí và khắc phục chậm. Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai vẫn là điểm nóng. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn bất cập; ô nhiễm môi trường cải thiện chậm.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật THTK, CLP, đặc biệt chú trọng lĩnh vực đầu tư phát triển, lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản; lĩnh vực sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước. Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến Luật THTK, CLP gắn với cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với một số lĩnh vực nhạy cảm dễ gây thất thoát, lãng phí.
Thanh Hòa