Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023; giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 19/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Hội nghị cũng cho ý kiến về kết quả cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý thu các loại thuế trên địa bàn tỉnh; cho ý kiến lần cuối về việc tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch tỉnh theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng tại hội nghị, Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện quy trình rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030.
Trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Hải Dương đã đề ra một số chỉ tiêu và nhiều giải pháp trọng tâm để thực hiện các mục tiêu đó.
Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng ít nhất 4 bậc, đến năm 2025 là một trong 20 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất về chỉ số này. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển bình quân năm 2024 đạt 32,8%; năm 2025 đạt 35,5%; giai đoạn 2021 - 2025 có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng bình quân 15% trở lên.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt các nội dung của Nghị quyết 08 với quan điểm cải thiện môi trường đầu tư một cách thực chất, bền vững, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo sự hoạt động hiệu quả của các cơ quan nhà nước.
Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh chương trình phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện quản lý điều hành, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Địa phương sẽ công khai quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng phê duyệt và kế hoạch thực hiện quy hoạch...
Thời gian tới, Hải Dương tiếp tục tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông để tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư theo chiều sâu, hướng đến các nhà đầu tư trọng điểm, có tiềm lực, uy tín trong và ngoài nước; coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với hỗ trợ đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành với chính quyền địa phương; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong nắm bắt, tổ chức đối thoại, xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Các sở, ngành, địa phương tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ công chức; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp….
Năm 2022, PCI của Hải Dương đạt 65,22 điểm (tăng 15 bậc, lên xếp thứ 32); một số chỉ số cải thiện lớn như: Chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 của tỉnh đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách ước đạt 13.995 tỷ đồng, đạt 79,3% dự toán. Tính đến tháng 9/2023, Hải Dương giải ngân vốn đầu tư công đạt 29%; thu hút 97 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký là 1.989 tỷ đồng; 52 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 392,5 triệu USD...