Cục Thú y cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm đang lây lan ra 12 tỉnh, thành. Chủng virút cúm gia cầm A/H5N1 đã biến thể với độc lực mạnh, vô hiệu hóa các loại vắcxin đang được sử dụng. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch cúm này đã có 2 người bị tử vong. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã họp và chỉ đạo khẩn cấp công tác phòng, chống tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thiếu vắcxin phù hợp và giấu dịch
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, virút cúm gia cầm biến đổi độc tính ở các tỉnh phía Bắc đang là thách thức lớn cho việc dập dịch.
Theo giám sát sau tiêm phòng của Cục Thú y, virút H5N1 đã xuất hiện nhánh mới 2.3.2 và hiện nay đã lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thay thế cho nhánh 2.3.4. Riêng nhánh virút cũ (nhánh 1) vẫn lưu hành ở các tỉnh phía Nam.
Rắc vôi bột khử trùng tiêu độc khu vực trại chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh ở thôn Châm Khê, xã Phong Khê, thành phố Bắc Giang, nơi phát sinh ổ dịch ngày 24/2. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Nhánh virút mới 2.3.2 lại biến đổi, chia thành hai nhánh phụ A và B có sự khác biệt lớn về kháng nguyên. Theo Cục Thú y, độc lực của virút H5N1 2.3.2 rất độc với gà và ít độc hơn với thủy cầm.
Theo đánh giá của Cục Thú y, tỉ lệ bảo hộ của vắcxin H5N1 Re-5 đối với nhánh phụ 2.3.2-A trong phòng thí nghiệm khoảng 70%, còn virút 2.3.2-B gần như không có kết quả. Vì vậy, chiến lược tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm đã có sự thay đổi: Ngừng tiêm ở khu vực các tỉnh có chủng virút mới và chỉ tiêm phòng ở các tỉnh phía Nam có virút H5N1 nhánh 1 lưu hành.
Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cho rằng: “Không thể tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm mãi được mà phải đề phòng với một số chủng khác. Vì chúng tôi đã phát hiện ra những mẫu H5N1 có độc lực biến đổi có khả năng là do một chủng khác gây nên”. Ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thống nhất khi cho rằng: “Có thể chúng ta không quay trở lại chiến lược tiêm đại trà, nhưng ở những nơi và đối tượng cần thiết thì vẫn có thể sử dụng”.
Do đó, Bộ NN&PTNT nhận định nguy cơ bùng phát dịch ở các tỉnh phía Bắc là rất cao do chưa có được vắcxin phù hợp với chủng virút biến đổi. Hiện Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ cho nhập 50 triệu liều vắcxin H5N1 chủng Re-5. Tuy nhiên, hiện chưa có bản đồ dịch tễ để xác định chủng virút cho từng vùng, từng địa phương để sử dụng vắcxin cho hiệu quả. Được biết, Cục Thú y đã gửi mẫu sang Hàn Quốc để phân tích độc lực của virút trên cơ sở đó đưa ra biện pháp dập dịch hiệu quả. Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh, thành phố.
Cũng trong cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là thậm chí là giấu dịch ở một số địa phương. Đây cũng là một nguy cơ cản trở việc khoanh vùng, dập dịch.
Như tỉnh Thái Nguyên, đến ngày 17/2 đã qua 20 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Nhưng ngay sau đó, mẫu bệnh phẩm ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình đã cho kết quả dương tính với virút H5N1. Điều đáng nói là thị xã Sông Công – địa bàn tiếp giáp với huyện Phú Bình đã có dịch bệnh, UBND tỉnh đã có thông báo để các địa phương, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh vùng dịch có phương án phòng, chống. Nhưng thực tế các địa phương vẫn còn tâm lý xem nhẹ, chủ quan và không thực hiện đầy đủ các phương pháp phòng ngừa do đó đã tiếp tục để dịch bệnh tiếp tục phát sinh.
Nhiễm bệnh có nguy cơ tử vong cao Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm 2012 đến nay, nước ta đã có 2 trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 (sinh sống tại tỉnh Sóc Trăng và Kiên Giang). Như vậy, từ năm 2003 đến nay cả nước có 121 ca nhiễm loại cúm nguy hiểm này, trong đó có 61 người chết. Khuyến cáo của các cơ quan y tế thế giới gần đây cho thấy virút cúm gia cầm đã biến thể, độc lực mạnh, nếu nhiễm phải thì nguy cơ tử vong rất cao. |
Ngoài ra, cũng cần nói đến trách nhiệm của cơ quan thú y khi chưa chủ động tham mưu tiêm phòng sớm cho đàn gia cầm ở các địa phương lân cận vùng dịch uy hiếp. Địa phương thường lấy lý do thiếu vắcxin mà chưa chủ động đề xuất đẩy sớm việc tiêm phòng mà trông chờ vào sự chỉ đạo của cơ quan thú y cấp trên.
Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 30 xã, phường của 12 tỉnh, thành phố với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 35.000 con, trong đó 85% là vịt, 13,9% là gà… Đáng lo ngại, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch, virút gây bệnh đã biến thể, chưa có loại vắcxin phù hợp. Tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, virút đã biến thể rất phức tạp, kháng lại vắcxin. Chỉ khu vực ĐBSCL là vắcxin còn hiệu lực. Vì vậy, đề nghị các địa phương này tiêm phòng 100% cho đàn vịt, nhất là sắp tới vụ lúa đông xuân, đàn vịt chạy đồng khá nhiều.
Cảnh giác với nguy cơ dịch lây lan
Trước những diễn biến nêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần bày tỏ lo ngại dịch bệnh cúm gia cầm có thể bùng phát mạnh trên phạm vi rộng bất cứ lúc nào do những yếu tố thuận lợi như thời tiết diễn biến phức tạp, vắcxin phòng chống dịch bệnh hiện có không kháng nổi virút. “Các địa phương ban ngành cần khẩn cấp chủ động dập tắt các ổ dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh và ngăn ngừa lây lan rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, ông Tần nhấn mạnh.
Lãnh đạo 12 tỉnh, TP có dịch cúm gia cầm là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang cho biết đã khẩn trương triển khai biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch cúm gia cầm nhưng cho rằng nguy cơ bùng phát là khó tránh khỏi.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết chưa xác định loại chủng virút gây bệnh, ý thức vệ sinh người dân còn kém, kiểm soát con giống gia cầm chưa đạt. Tỉnh Thanh Hóa thì đề nghị được hỗ trợ kinh phí, vật tư và tiền cho người nuôi gia cầm. Tỉnh Hà Tĩnh lo ngại do mật độ nuôi gia cầm lớn nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn nước là khó tránh. Còn lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho hay loại vắcxin được tỉnh sử dụng để phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện mất tác dụng với virút…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng đề nghị các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch cúm gia cầm. Thứ trưởng cho rằng đây là nguy cơ lớn, không thể chủ quan. Đề nghị 7 đoàn công tác Trung ương về phòng, chống cúm gia cầm cần kéo dài công tác tới ngày 15/3, thành lập các đoàn kiểm tra địa phương để đôn đốc xuống huyện, xã. Cục Thú y khẩn trương huy động lực lượng để giải mã gien loại chủng virút biến thể, xây dựng bản đồ diễn tiến dịch cúm gia cầm, đề xuất biện pháp phòng, chống hiệu quả…
Diễn biến mới nhất thông qua báo cáo nhanh ngày 27/2 của Cục Thú y cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu chững lại, mấy ngày qua cả nước không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, các địa phương vẫn hết sức cảnh giác đề phòng nguy cơ dịch lan.
Xuất hiện mới nhiều ổ dịch cúm gia cầm
*Ngay sau khi có kết quả dương tính với virút cúm gia cầm H5N1 trên mẫu bệnh phẩm gia cầm của hộ bà Trần Thị Nghiệp trú tại tổ 3, phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên, ngày 28/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Theo đó, ổ dịch là phường Tích Lương, vùng bị dịch uy hiếp gồm: Phường Phú Xá, Tân Lập, Thịnh Đán, Trung Thành, Tân Thành, xã Lương Sơn, Thịnh Đức và vùng đệm gồm: Phường Hương Sơn, Cam Giá, Tân Thịnh, Gia Sàng, Túc Duyên, Phan Đình Phùng, Đồng Quang và xã Tân Cương. Đây là quyết định công bố dịch cúm gia cầm H5N1 lần thứ hai của UBND tỉnh Thái Nguyên. Hiện nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại tỉnh Thái Nguyên là rất lớn, các cấp, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở đang tập trung mọi biện pháp đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
* Ngày 28/2, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết đã phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm trên đàn vịt tại gia đình ông Nguyễn Văn Huynh, thôn Châm Khê, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Như vậy, trong vòng hơn 10 ngày, kể từ ngày phát hiện ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên tại xã Dũng Liệt – Yên Phong, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm tại 3 xã của các huỵện Yên Phong, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh đã công bố dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn và chi 1 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. TTN |
Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y: Mặc dù dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu chững lại nhưng các tỉnh không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; tăng cường các biện pháp phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp khống chế kịp thời khi có dịch. Qua kiểm tra thực tế của các đoàn thì bên cạnh những địa phương thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của công điện 04 của Bộ NN&PTNT về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh cúm gia cầm thì vẫn còn một số nơi triển khai chậm, dịch xảy ra rồi mới báo cáo, lúng túng trong xử lý dịch, vật tư phòng chống dịch chưa được chuẩn bị chu đáo vẫn còn mang tính chất đối phó khi có đoàn kiểm tra làm cho dịch phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, cá biệt vẫn còn những hiện tượng người dân ăn thịt gia cầm ốm, chết và không khai báo cho lực lượng thú y. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng chống dịch, nếu dịch xảy ra thì phải khoanh vùng, tiêu hủy và áp dụng các biện pháp xử lý ổ dịch… đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người chăn nuôi, người tiêu dùng, người kinh doanh về tình hình dịch cũng như tính chất nguy hiểm của dịch, nguy cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm sang người gây tử vong để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch trên gia cầm.
Tính đến ngày 27/2, các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Nam Định có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.