Nghị định 46/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17/6/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2011. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi Nghị định 46 ra đời và có hiệu lực thì một số doanh nghiệp đã bày tỏ một vài lo ngại về tính khả thi của nghị định này.
Hai điều doanh nghiệp kêu khó
Theo các doanh nghiệp (DN), trong số các quy định của Nghị định 46, có ít nhất hai điều có thể gây khó cho các DN.
Thứ nhất là yêu cầu thông báo công khai nhu cầu tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài. Điều này được quy định trong khoản 3 điều 1 của Nghị định 46, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 4 của Nghị định 34. Cụ thể, DN trước khi tuyển lao động người nước ngoài, ít nhất 30 ngày, người sử dụng lao động phải thông báo nhu cầu tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người nước ngoài trên ít nhất 1 số báo Trung ương và ít nhất 1 số báo địa phương.
Về điều này, các DN cho rằng đó là tính bất hợp lý khi tuyển dụng lao động cần thiết của DN và tăng nguy cơ DN bị kiện từ những ứng cử viên lao động Việt Nam. Tức là Nghị định 46 đã làm quá trình tuyển dụng lao động của DN bị kéo dài thêm do bắt buộc phải áp dụng cho tất cả các nhân viên nước ngoài, bao gồm cả giám đốc điều hành và chuyên gia kỹ thuật hàng đầu; còn nếu DN không thực sự muốn tốn thời gian cho quá trình tìm hiểu nghiên cứu hồ sơ, phỏng vấn để sàng lọc ứng viên sau khi đăng thông báo thì đối mặt với nguy cơ bị kiện.
Lớp dạy ngoại ngữ, nơi làm việc của nhiều người nước ngoài. |
Thứ hai, khi gia hạn giấy phép cho người lao động nước ngoài, DN phải nộp bản sao hợp đồng học nghề với người lao động Việt Nam nhằm đào tạo người thay thế vị trí trên của người nước ngoài. Việc này được quy định trong điều 13 đã sửa đổi của Nghị định 46 khi xin gia hạn giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động. Nghĩa là phải nộp bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa DN với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.
Trong khi đó, theo các DN, Điều 132 của Bộ Luật Lao động chỉ yêu cầu “DN, tổ chức và cá nhân được tuyển người nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có kế hoạch, chương trình đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó và thay thế họ”, chứ không yêu cầu ký hợp đồng học nghề như Khoản 13 Điều 1. Trên thực tế DN cũng không thể ký hợp đồng học nghề để đào tạo lao động thành giám đốc điều hành, tài chính được…
Nghị định 46 thực hiện nhất quán chính sách tuyển LĐ người nước ngoài
Những lo ngại, thắc mắc này của DN đã được chuyển tới đại diện Cục Việc làm. Ông Lê Quang Trung, Cục phó Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc ra đời Nghị định 46 lần này cũng là việc thực hiện nhất quán chính sách tuyển dụng lao động người nước ngoài của VN là chỉ sử dụng lao động người nước ngoài có trình độ, có kinh nghiệm, kỹ thuật cao và bảo vệ thị trường lao động trong nước.
Theo ông Trung, trước khi nghị định ra đời Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hai lần gặp gỡ trao đổi tham vấn với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EURO Cham). Nghị định 46 đã đưa thêm một số nội dung mới như bổ sung thêm hai đối tượng được phép sử dụng người lao động nước ngoài như Hội, Hiệp hội doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nghị định mới này cũng bổ sung hẳn một Điều 6a với 7 mục nhỏ quy định cụ thể rõ ràng việc tuyển dụng, sử dụng lao động kể từ khi chào thầu, đến khi làm hồ sơ tham gia dự thầu, chấm thầu và tổ chức thực hiện ở Việt Nam. Nghị định còn chú ý đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như tăng cường công tác trách nhiệm của các bộ, ngành như trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế...
Nhìn tổng quan tình trạng lao động người nước ngoài trong mấy năm gần đây ở Việt Nam, Cục Việc làm Bộ Lao động ,Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) cho biết lao động người nước ngoài đến từ 65 quốc gia, chủ yếu mang quốc tịch châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia) chiếm khoảng 58%. Năm 2008 có 52.633 lao động nước ngoài thì đến năm 2009 đã tăng lên 55.428 lao động và năm 2010 đã có tới 56.929 lao động. Đến năm 2011 số lượt lao động đã tăng tới 74.000 người . Về trình độ, cơ cấu nghề nghiệp: Người nước ngoài có trình độ đại học, trên đại học chiếm 48,3% so với tổng số người nước ngoài; có chứng chỉ chuyên môn tay nghề chiếm 34,6%; người nước ngoài là nghệ nhân, ngành nghề truyền thống chiếm 17,1%. Về giao kết hợp đồng: phần lớn người nước ngoài làm việc theo các hợp đồng lao động chiếm 54,4%, trong đó hợp đồng lao động từ 24 tháng đến 36 tháng chiếm tỷ lệ cao nhất 76,4%; hợp đồng lao động dưới 12 tháng chiếm 23,6%. Hai nguyên nhân tăng nhanh số lao động nước ngoài tại Việt Nam, đó là do việc đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dẫn đến nhu cầu lao động người nước ngoài tăng. Và ta có nhiều ngành, lĩnh vực mới đòi hỏi người lao động nước ngoài có kinh nghiệm, chuyên môn đảm đương. |
Tuy nhiên, phải thấy rằng những lo ngại của DN không phải là do những điểm mới của Nghị định 46 gây ra mà chính trong Nghị định 34 trước đây đã quy định rồi, nay Nghị định 46 chỉ nhắc lại và làm rõ thêm. Thí dụ quy định rõ thông báo các nội dung tuyển dụng người lao động Việt Nam phải đăng ít nhất trên 1 số báo Trung ương và 1 số báo địa phương. Điều này chỉ áp dụng cho người lao động nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức “Thực hiện hợp đồng lao động”. Nó không áp dụng cho 5 hình thức lao động khác theo quy định của Nghị định 34 như di chuyển trong nội bộ DN có hiện diện thương mại tại Việt Nam, thực hiện các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế... Những hình thức lao động vừa nêu không cần phải đăng thông báo tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Còn thủ tục gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài có yêu cầu người sử dụng lao động phải nộp bản sao hợp đồng học nghề được ký giữa DN với người lao động Việt Nam để thay thế cho công việc mà người nước ngoài đang đảm nhiệm không phải gây khó khăn cho DN. Thực tế theo Điều 132 của Bộ Luật Lao động, NQ48 về đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ LĐ-TB&XH cũng đã quy định rõ điều này. Mong muốn của cơ quan quản lý là DN phải thể hiện mình trong việc kèm cặp, đào tạo, giúp đỡ người lao động VN để thay thế lao động nước ngoài.
Có lẽ cũng cần phải bàn thêm về cách hiểu Điều 132 của Bộ Luật lao động. Một ý trong Khoản 1 của Điều 132: “Đối với công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý mà phía Việt Nam chưa đáp ứng được, DN, tổ chức và cá nhân được tuyển người nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có kế hoạch, chương trình đào tạo để người Việt Nam có thể sớm làm được công việc đó và thay thế họ”. Cách hiểu chỉ cần “có kế hoạch, chương trình đào tạo” là đủ chứ không buộc DN phải đào tạo người lao động Việt Nam thay thế người lao động nước ngoài là hoàn toàn khác nhau. Có thể điều này vô hình trung sẽ trở thành kẽ hở của pháp luật, bởi nó dễ biến thành hình thức vì DN không dễ dàng chi một khoản kinh phí đào tạo như vậy.
Để thực hiện việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam có hiệu quả, có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế phát triển rất cần những chính sách linh hoạt phù hợp. Nhất là lợi ích hài hòa giữa nhà nước - doanh nghiệp- người lao động trong lĩnh vực này. Sắp tới thông tư hướng dẫn thi hành sẽ thống nhất cách hiểu về các điều khoản của luật, nghị định để tạo sự đồng thuẫn giữa chủ sử dụng lao động, người lao động với các cơ quan quản lý nhà nước.
Lý Hà