Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua Chính phủ có các Tờ trình về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đợt 4, đợt 5; việc giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đợt 3; việc phân bổ vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư vốn nguồn ngân sách trung ương năm 2023 còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, Chính phủ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm, không đảm bảo quy định về thời hạn trình để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến “trước ngày 31/3/2023” theo quy định của Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tập trung làm rõ để giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội; đánh giá trung thực tình hình, đề ra giải pháp tích cực, đúng thẩm quyền.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội quyết định là 2.870.000 tỷ đồng. Đến nay, số vốn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ là 2.440.007,682 tỷ đồng. Số còn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn lại chưa phân bổ là 429.992,318 tỷ đồng.
Tổng số vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là 176 nghìn tỷ đồng, số đã giao kế hoạch vốn chi tiết là 161.848,315 tỷ đồng, số còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là 14.151,685 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế quá trình tổng hợp, báo cáo phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, cân đối vốn ngân sách địa phương, các chỉ tiêu, tiêu chí về đơn giá, kỹ thuật khác nên một số bộ, địa phương mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án, nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ngoài ra, một số dự án quan trọng cấp bách về giao thông, quốc phòng, lưới điện của các bộ, địa phương do tính chất phức tạp, đặc thù, đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Với những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải bố trí vốn, trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện mục tiêu về 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.
Đối với nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nếu không được tiếp tục phân bổ, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, ngành y tế sẽ bị áp lực lớn do 25% số vốn của ngành y tế được phân bổ trong đợt này, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, số lượng vốn chưa giao chi tiết khá lớn, nếu không phân bổ giao kế hoạch chi tiết vốn các dự án có đủ điều kiện về thủ tục đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tình hình đầu tư công, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, để giải quyết khó khăn đặt ra trong thực tiễn, tránh lãng phí nguồn lực, cần rà soát, tổng hợp phương án phân bổ vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với những dự án đã đủ thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội.
Các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm khi chậm giao vốn, phân bổ vốn và cho rằng nếu không có những biện pháp xử lý nghiêm khắc thì tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài. Các cơ quan cần chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, các nhân, đánh giá hệ lụy của việc chậm giao vốn, phân bổ vốn. Chính phủ cần hoàn thiện tờ trình theo hướng tổng hợp các nội dung một cách tổng thể, phân định những nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định; đồng thời xác định rõ thời gian hoàn thành việc phân bổ vốn.
Kết luận cuộc làm việc, trên cơ sở các ý kiến đều khẳng định việc Chính phủ trình phân bổ số vốn còn lại trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là hết thời hạn theo quy định của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không còn thẩm quyền cho ý kiến về nội dung này, song cũng có trách nhiệm với những vấn đề thực tiễn phát sinh. Do các nội dung điều chuyển vốn giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tổng hợp riêng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Đối với số vốn còn lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Chính phủ phối hợp rà soát, làm rõ từng mục tiêu các dự án, chương trình, các công trình thực sự cấp bách đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân để báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới để quyết định phân bổ nguồn vốn này.