Năm qua, toàn ngành đã sơ kết, tổng kết nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác xây dựng Đảng, trên cơ sở đó tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, quy định, quy chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Ngành đã hoàn thành 54/58 đề án và nhiệm vụ quan trọng được giao. Đặc biệt, nửa đầu nhiệm kỳ, Ngành đã tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành ba nghị quyết và một quy định, góp phần thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, vừa qua Ban Tổ chức Trung ương đã chủ động tổ chức tham mưu đề xuất với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, qua đó tiếp tục khẳng định nêu gương là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng ta. Việc quy định trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa quan trọng, được cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội hoan nghênh, ủng hộ. Chúng ta thực hiện tốt quy định này sẽ tạo động lực và sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn xã hội- đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã được ngành triển khai khẩn trương, tích cực với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt. Đến nay, cả nước đã giảm 3 ban chỉ đạo, 7 tổng cục, giảm nhiều cục, vụ, sở, ngành và gần 500 lãnh đạo cấp vụ, gần 10 nghìn lãnh đạo phòng, giảm hơn 81 nghìn công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương; giảm hơn 51 nghìn người hưởng lương và phụ cấp ở cấp xã... Đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá đây là một trong những nghị quyết của Trung ương sớm đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, toàn ngành đã bám sát hai trọng tâm và năm đột phá, tiếp tục đổi mới mãnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ để chuẩn bị nguồn nhân sự trước mắt và lâu dài.
Cơ bản nhất trí với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Ngành đã xác định thực hiện trong năm 2019, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị toàn Ngành bám sát 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược do Đại hội XII của Đảng đề ra; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong Đảng bằng những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, phù hợp.
Toàn ngành phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả và khắc phục cho được khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. Tiếp tục hoàn thiện quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các cấp; đẩy mạnh phân cấp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối, giảm khâu trung gian, ứng dụng khoa học- công nghệ trong quản lý, điều hành. Tích cực tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo mục tiêu nghị quyết đề ra, làm cho bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý "việc sắp xếp tổ chức phải tiến hành thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn, nhưng cũng tránh nôn nóng, vì công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục- sai một ly, đi một dặm".
Ngành tập trung làm tốt công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và chính xác để xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa đức và tài, trong đó đức phải là gốc, giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển, giữa tính phổ biến và tính đặc thù trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Chuẩn bị một bước quan trọng về nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Để lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực sự có tâm, tài, đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng cần quan tâm 3 nhân tố: thứ nhất là người đứng đầu; thứ hai là người làm công tác tổ chức và thứ ba là đối tượng cán bộ được lựa chọn. "Nếu người đứng đầu, người làm công tác tổ chức công tâm, khách quan, minh bạch trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; cán bộ được bổ nhiệm có lòng tự trọng, thấy mình có đủ hay không đủ năng lực để bản thân sẵn sàng đảm đương hoặc từ chối chức vụ được giao thì sẽ sớm khắc phục được chạy chức, chạy quyền", đồng chí nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên để việc làm này trở thành tự giác, nền nếp, thường xuyên và tăng cường giám sát quá trình thực hiện; tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định, quy chế về công tác tổ chức xây dựng Đảng, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước để thực hiện nghiêm công tác tổ chức xây dựng Đảng, làm căn cứ để kiểm tra, giám sát và là cơ sở để đánh giá cán bộ. Trước mắt đồng chí đề nghị tập trung tham mưu ban hành Chỉ thị và hướng dẫn công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền...
Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị
Năm 2019, toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng xác định chủ động tham mưu công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng: Hoàn thành việc tổng kết Chỉ thị 36-CT/TW để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị mới về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tham mưu tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ của tiểu ban nhân sự và tiểu ban Điều lệ Đảng. Thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngành tiếp tục thực hiện các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị: Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả, từng bước thu hẹp “một bộ phận không nhỏ” trong cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chú trọng nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả sự chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII), toàn ngành tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp; kiên quyết cắt bỏ các tổ chức trung gian; giảm đầu mối bên trong; giảm cấp phó. Đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII), ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thu hút, trọng dụng nhân tài. Thực hiện nghiêm cơ chế đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; cơ chế bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số...
Toàn ngành tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế về công tác tổ chức xây dựng Đảng đảm bảo đồng bộ, liên thông, thống nhất giữa các quy định của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp trong công tác tổ chức xây dựng Đảng; nghiên cứu, thực hiện phân cấp về phân công cấp ủy; phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; tuyển dụng cán bộ, đào tạo và xác nhận trình độ lý luận chính trị; thi nâng ngạch công chức và xét thăng hạng viên chức cao cấp...