Sáng 25/4, phiên họp 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên khai mạc.
Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc... Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.
Theo Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, dự kiến kỳ họp này sẽ khai mạc ngày 21/7/2011, bế mạc ngày 16/8/2011, làm việc trong khoảng 22 ngày. Trong đó, Quốc hội dành khoảng 14 ngày làm công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan nhà nước: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ…
Quốc hội cũng có 5 ngày xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009. Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; cho ý kiến về 2 dự án: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN |
Trình bày dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nhấn mạnh: Kết quả kỳ họp thứ 9 tiếp tục góp phần khẳng định Quốc hội khóa XII với nhiệm kỳ 4 năm có nhiều đổi mới và tiến bộ, trong đó các định chế trong bộ máy nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nhìn chung, ý kiến đại biểu Quốc hội và dư luận chung cả nước đánh giá cao sự cố gắng và tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cơ quan. Về công tác lập pháp, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để xem xét, thông qua 3 luật và cho ý kiến về 1 dự án luật.
Tuy thời gian hạn chế nhưng Quốc hội đã dành 1 ngày để xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011. Quốc hội đã phân tích toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn về chỉ đạo, điều hành và quản lý vĩ mô.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục rút kinh nghiệm như: Số đại biểu vắng mặt tại một số phiên họp còn nhiều; việc cung cấp, phục vụ một số tài liệu còn chậm, nội dung chưa sát chuyên đề, còn thiếu thông tin tham khảo… ảnh hưởng đến việc tự nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu có chất lượng của đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc sớm chuẩn bị các nội dung của kỳ họp; phát huy hơn nữa vai trò, trí tuệ, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội và sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước…
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu cơ bản tán thành những nội dung chính trong Báo cáo và Tờ trình, đồng thời góp ý thêm một số vấn đề về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, chuẩn bị tốt chương trình kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII. Nhiều ý kiến cho rằng, Báo cáo cần phân tích rõ hơn đặc điểm tình hình với những khó khăn về thu nhập, giá cả tăng cao khiến đời sống bấp bênh đang là mối lo của nhiều người dân.
Cử tri và nhân dân cả nước cũng quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng; giám sát chi tiêu công… Các đại biểu cũng cho rằng, cần nhận định, đánh giá, nêu bật những kết quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đồng thời làm rõ được những bài học kinh nghiệm rút ra, những đề xuất cụ thể để các cơ quan làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong nhiệm kỳ mới.
Kết luận nội dung này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, xem xét, tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo chính thức theo tinh thần đánh giá đúng mức, đúng liều lượng, có sức thuyết phục, đầy đủ, toàn diện, sâu sắc thêm về kết quả kỳ họp.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, về nguyên tắc, Quốc hội khóa trước có trách nhiệm chuẩn bị toàn bộ nội dung, chương trình cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Để làm tốt, cần nghiên cứu, xem xét kỹ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, các nội quy, quy chế làm việc; căn cứ vào tình hình thực tế, công tác chuẩn bị và căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 đã thông qua…
Công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm đúng tiến độ
Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 báo cáo về tình hình chuẩn bị bầu cử. Cùng dự buổi họp có các thành viên trong Hội đồng bầu cử Trung ương.
Báo cáo tiến độ triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 do Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết: đến nay, công tác tổ chức chuẩn bị bầu cử trong phạm vi cả nước đang được triển khai đúng pháp luật và bảo đảm theo tiến độ đề ra, chưa có vấn đề lớn phát sinh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Hội đồng bầu cử và các cơ quan hữu quan ở Trung ương đã tích cực, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về bầu cử. Các cấp ủy đảng, chính quyền, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương đã thực hiện tốt các bước chuẩn bị và đang khẩn trương, nghiêm túc triển khai các công việc còn lại, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra thành công.
Từ nay đến ngày bầu cử 22/5/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, sát sao việc thực hiện các công việc theo đúng thời gian quy định. Cụ thể là ban hành nghị quyết công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử gửi đến (chậm nhất là ngày 27/4/2011); chỉ đạo Ủy ban bầu cử các cấp công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử theo đúng thời gian (chậm nhất là ngày 27/4/2011); chỉ đạo việc niêm yết danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (chậm nhất là ngày 2/5/2011); tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri giữa những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử đại biểu Quốc hội; đảm bảo đúng luật, dân chủ, tiết kiệm và trật tự an toàn trong ngày bầu cử; đảm bảo nguồn điện được cung cấp đầy đủ trong ngày bầu cử và trong thời gian kiểm phiếu.
Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến của đại biểu tán thành với các nội dung được Báo cáo đề cập tới. Các ý kiến nhấn mạnh một trong những công việc cần chú trọng làm tốt hơn nữa trong thời gian tới là công tác tuyên truyền, góp phần để nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về ý nghĩa, trách nhiệm của công dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhấn mạnh cần làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân về bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng việc tuyên truyền, vận động phải đi vào chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng tới tuyên truyền miệng, đảm bảo bầu đúng, bầu đủ. Đại biểu nhấn mạnh tới sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hữu quan trong công tác tuyên truyền, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị cần rà soát lại để thống nhất và ban hành văn bản hướng dẫn về các vấn đề mà các địa phương còn băn khoăn như số lượng hòm phiếu, hồ sơ của ứng cứ viên... Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần có sự tập huấn, hướng dẫn cụ thể, chi tiết tới cơ sở, dự kiến cả những tình huống có thể phát sinh và phương hướng xử lý. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình đề nghị cần quan tâm tới vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử, đặc biệt là việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...
Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tán thành với những nhận định được nêu lên trong báo cáo và nhấn mạnh từ Trung ương tới địa phương đã triển khai tích cực, chủ động, trách nhiệm và sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch và đúng tiến độ đã đề ra, không xảy ra vấn đề gì lớn. Các cơ quan hữu quan, địa phương vào cuộc và có sự phối hợp tốt trong công tác chuẩn bị bầu cử.
Thanh Hòa- Quỳnh Hoa