Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cần dành thêm nguồn tài chính, đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành nông nghiệp ở các quốc gia trong khu vực châu Á nhằm tăng cường an ninh lương thực, chống lại tình trạng lạm phát do giá lương thực tăng cao như hiện nay. Đây là ý kiến của nhiều Thống đốc Ngân hàng Trung ương đến từ các quốc gia thành viên của ADB cũng như các đại biểu đến từ các quốc gia lớn trên thế giới, tại Phiên họp toàn thể thứ nhất của Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 chiều 5/5 tại Hà Nội.
Theo đại diện của Ấn Độ, lạm phát có xu hướng tăng cao trong khu vực hiện nay đang gây ra những tác động bất lợi với tầng lớp dân nghèo ở mỗi quốc gia và cả khu vực. Vì vậy, cùng với ưu tiên dành nguồn lực cho mục tiêu giảm nhẹ thiên tai, ADB cần thúc đẩy đầu tư vào khu vực nông nghiệp, tăng cường sự liên kết thông qua hình thức hợp tác công - tư để phát triển nguồn nước, giống, nhằm hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, ADB cũng cần thúc đẩy các liên kết mềm nhằm đẩy mạnh việc hợp tác, chia sẻ thông tin, cùng nhau giải quyết các vấn đề về dịch bệnh, thiên tai trong khu vực…
Đồng quan điểm này, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính phụ trách thị trường quốc tế và phát triển của Hoa Kỳ, bà Marisa Lago đã cảnh báo: Lạm phát cao đi kèm với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao đang đe dọa sự phục hồi của khu vực châu Á. Trong khi đó, tầng lớp dân nghèo lại chưa được hỗ trợ thích đáng về lương thực và năng lượng để chống chọi với cú sốc này. Vì vậy, để có được sự tăng trưởng bền vững, các quốc gia phát triển ở châu Á cần chia sẻ thặng dư thương mại với các nước đang phát triển. Hoa Kỳ cũng mong muốn ADB duy trì mức cho vay điều hòa hơn để giúp các quốc gia kém phát triển - những quốc gia đang rất cần các nguồn lực của ADB để phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách.
Đại diện của Đức cũng cho rằng: Phát triển nông nghiệp cần được đưa trở lại vào trọng tâm đầu tư của ADB trong thời gian tới, để đảm bảo an ninh lương thực khu vực, chống chọi hiệu quả với nạn lạm phát và giá cả lương thực tăng cao.
Đại diện Hàn Quốc cũng cho rằng: Sự phục hồi và tăng trưởng của châu Á là kết quả của việc tái cơ cấu kinh tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và cân bằng, ADB cần có chính sách linh hoạt hơn, tạo điều kiện tăng thêm nguồn vốn cho các nước nghèo trong khu vực...
Các đại biểu cũng đề nghị ADB cần tập trung đầu tư hơn nữa cho xuất khẩu và cơ sở hạ tầng trong khu vực để loại bỏ các nút thắt về nguồn cung.
Tối 5/5, tại Hoàng thành Thăng Long, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng các khách quí đến Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44.
Chiều 5/5, Chủ tịch ADB Kuroda và Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Jeung-Hyun Yoon đã ký Hiệp định gia hạn và mở rộng hỗ trợ của Hàn Quốc (Hàn Quốc cung cấp 550 triệu USD) với các dự án phát triển của ADB ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như: Năng lượng tái tạo, nước, giao thông bền vững, giáo dục, tài chính, quản trị điều hành.
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB, cùng ngày đã diễn ra các hội thảo: Hội nhập ASEAN-Tăng cường kết nối; Các nhà đầu tư châu Á: Tác nhân tạo nên sự thay đổi; Vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực: Thương mại và cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia. |
Sự - Anh