Tờ trình nêu rõ: Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan còn thiếu tính đồng bộ, hợp lý, khả thi, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, làm phát sinh chi phí và rủi ro đối với doanh nghiệp. Việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập và những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải có quan điểm, định hướng và giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn vốn này, cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Luật Đầu tư cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập, góp phần cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật và trình Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2019. Qua thảo luận, Chính phủ nhận thấy, Dự thảo Luật này về cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua. Tuy nhiên, so với Dự thảo Luật đã trình Chính phủ trong tháng 3/2019, Dự thảo Luật này đã hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều nội dung khác nhằm thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị.
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) gồm 7 chương, 77 điều, trong đó sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư với những nội dung chủ yếu: Nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh; quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện; quy định ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư; quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; quy định thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư; các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; điều khoản thi hành và áp dụng chuyển tiếp.
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đồng tình việc cần thiết ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đảm bảo tính đồng bộ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục những bất cập đang phải đối mặt. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần có đánh giá một cách toàn diện, những nội dung trong Luật cần ban hành bao nhiêu nghị định, thông tư hướng dẫn và xây dựng lộ trình, tiến độ, thời gian hoàn thành.
Có ý kiến cho rằng, các đối tượng ưu đãi, khuyến khích trong Luật Đầu tư (sửa đổi) cần bổ sung thêm, nhất là các dự án nhà ở trong những khu công nghệ cao. Quy định trước đây, việc chấp nhận chủ trương các dự án này thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh là chưa hợp lý, nên giao cho Ban quản lý vì khu vực này không được bán mà chỉ cho thuê.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Quốc hội và Chính phủ đã nhất trí việc cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư; đa phần các đại biểu đồng ý phạm vi sửa đổi nhưng vẫn băn khoăn vì nhiều nội dung vẫn cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, điều quan trọng là phải hoàn thiện tính thống nhất giữa Luật Đầu tư với các Luật khác như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng vì liên quan nhiều đến việc giải ngân vốn đầu tư công; đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu thêm để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng cần quan tâm đến cơ chế thu hồi các dự án vi phạm; nghiên cứu lại vấn đề ưu đãi và chế độ đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn; thay đổi quyền tiếp cận khi hưởng các ưu đãi liên quan đến các quy trình, thủ tục...