Chiều 28/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, trả lời báo
chí xung quanh việc thực hiện Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng về
việc góp vốn vào các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Vũ Đức Đam phân tích rõ:
Cuối năm 2011, lạm phát cao, nguy cơ
mất an toàn của hệ thống ngân hàng buộc chúng ta phải tập trung tái cơ
cấu 3 lĩnh vực, trong đó có tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, phân loại
các ngân hàng. Trong việc chấn chỉnh đó, có một biện pháp là đưa vào
giám sát đặc biệt, kèm với lộ trình hướng dẫn các ngân hàng đó trên tinh
thần tự nguyện và phải tái cơ cấu vốn sở hữu kèm theo điều kiện giám
sát. Việc làm đó với mục tiêu lớn là củng cố hệ thống ngân hàng, không
để đổ vỡ hệ thống. Tới đây, không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà các ngân
hàng lớn cũng phải tiếp tục tiến trình này, phải củng cố, đổi mới hoạt
động để từng bước có hệ thống ngân hàng vững mạnh, đủ quy mô, tầm vóc,
uy tín, tiến tới cạnh tranh với bên ngoài.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
|
Liên quan đến vấn đề
tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước ở
các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết doanh
nghiệp Nhà nước là 1 trong 3 lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh
tế. Chính phủ rất quan tâm, bắt đầu triển khai từ các tập đoàn kinh tế
đến các tổng công ty. Sắp tới, sẽ có nghị định của Chính phủ quy định
rất cụ thể với tinh thần các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tập trung vào
ngành nghề chính.
Quan điểm của Chính phủ là giữ doanh nghiệp Nhà nước
để phục vụ phát triển một số ngành sản xuất thực sự cần thiết cho quốc
gia, chứ không giữ doanh nghiệp Nhà nước như phương thức kinh doanh lấy
lãi cho Chính phủ. Các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành mà cộng đồng xã hội
thấy bức xúc nhất trong những năm trước đây chủ yếu là 2 lĩnh vực chứng
khoán tài chính ngân hàng và bất động sản, nay phải thoái vốn theo chủ
trương của Chính phủ. Chính phủ cương quyết chỉ đạo phải thoái vốn nhưng
có lộ trình chặt chẽ, để đảm bảo lợi ích của Nhà nước và cũng không làm
rối thị trường.
Trả lời về vấn đề giá điện tăng đột ngột, Bộ
trưởng Vũ Đức Đam cho biết lộ trình điều chỉnh giá điện được quy định
chặt chẽ, có rất nhiều điều kiện, trong đó có 2 điều kiện, không tăng
liên tục 2 lần trong thời hạn 3 tháng và mức tăng 5% trở xuống thẩm
quyền quyết định là Bộ Công Thương. Từ năm 2012 đến nay, vào tháng
7/2012, 12/2012 và tháng 8/2013, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền
của Bộ Công Thương. Chính phủ khẳng định đối với hộ nghèo phải tiếp tục
hỗ trợ. Tại cuộc họp Chính phủ lần này, Thủ tướng chỉ đạo với giá điện,
một mặt tiếp tục chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, không cào
bằng, mặt khác nghiên cứu chính sách để khuyến khích người dân sử dụng
bóng đèn tiết kiệm điện. Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất
định cho người nghèo nhưng bằng tiền mặt, đồng thời có chương trình hỗ
trợ người dân chuyển sang dùng bóng tiết kiệm điện. Số tiền hỗ trợ này
nếu người dân tiết kiệm điện thì có thể giữ lại. Tới đây, giá điện cũng
như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với dân.
Về vấn đề lương một số lãnh đạo doanh nghiệp công ích ở thành phố Hồ
Chí Minh cao bất thường, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, nếu đúng thì phải xử
lý, đó là thẩm quyền của ủy ban nhân dân các địa phương, bộ, ngành được
giao quản lý doanh nghiệp. Sau khi báo chí lên tiếng, Phó Thủ tướng phụ
trách lĩnh vực này đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ
chức kiểm tra việc thực hiện chế độ tiền lương ở các doanh nghiệp thuộc
phạm vi quản lý, nơi nào làm không đúng sẽ phải xử lý.
Bình luận
về vụ việc “nhân bản” mẫu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện đa khoa
Hoài Đức, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết không thể chấp nhận những tiêu
cực như vậy. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người,
mặc dù chưa có hệ lụy nhưng những sai phạm như vậy nếu không chấn chỉnh,
không xử lý nghiêm thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ông cũng cho
biết rất đau xót vì đó là vấn đề đạo đức xã hội, vì đồng tiền mà bất
chấp tất cả. Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và có biện pháp chấn chỉnh,
lấy đây là sự việc để chấn chỉnh lại hệ thống. Khi có thông tin, Thủ
tướng, các Phó Thủ tướng đều có chỉ đạo xử lý vụ việc; đồng thời chỉ đạo
từng bộ, từng ngành xem xét lại toàn bộ hệ thống chủ trương liên quan
có đúng không, cụ thể trong trường này, đó là chủ trương xã hội hóa
phải đi kèm với quy định như thế nào, việc tổ chức thực hiện chính sách
của các cấp bên dưới có nghiêm túc không.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng giải trình rõ hơn các nội dung trên.
TTXVN/Tin Tức