Diễn đàn quản trị đất nước tốt: Công chức phải linh hoạt, sáng tạo

Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21 (ACCSM 21), sáng 4/8, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quản trị đất nước tốt.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Diễn đàn có sự tham dự của gần 100 đại biểu, gồm Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ASEAN; Phó Tổng thư ký ASEAN; đại biểu các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trải qua hơn 5 thập niên hình thành và phát triển, các nước ASEAN ngày càng lớn mạnh, trưởng thành hơn về chính trị, bền vững hơn về kinh tế, hoàn thiện hơn về thể chế, gắn kết hơn trong quan hệ. Thành quả hôm nay, có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ công chức nền công vụ các nước ASEAN tận tụy, trách nhiệm, tâm huyết và ngày càng chuyên nghiệp, có kiến thức, có phẩm chất đạo đức tốt.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, những biến động, thách thức to lớn và khó lường gần đây đã khiến nền công vụ phải nhìn lại mình, cấp thiết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ để thực sự là một nền công vụ hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm. Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức cũng phải thay đổi, linh hoạt hơn, nhạy bén hơn, sáng tạo hơn và học hỏi, thay đổi nhiều hơn. Đây chính là lý do Bộ Nội vụ Việt Nam chọn chủ đề của Diễn đàn là "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công chức đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế".

Diễn đàn là cơ hội để các nước cùng lắng nghe, chia sẻ, học hỏi với ý nghĩa thu hẹp khoảng cách, khuyến khích hợp tác giữa các nước ASEAN, các nước ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các nước đối tác (Australia) nhằm bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc quản trị hiệu quả.

Chia sẻ về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng được coi là công việc thường xuyên, liên tục để bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn thực hiện các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nhằm hướng tới nền công vụ dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ nhân dân. Trong quá trình đó, việc xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức luôn được coi trọng, được thể hiện cụ thể qua các mục tiêu, nội dung trọng tâm của chương trình theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam tiếp tục xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của đất nước. Trong đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong nhà nước.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 50 – 60% lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương; 25 – 35% lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương; trên 30% lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương; 80% lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn bóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Để đạt được các mục tiêu này, công tác đào tạo, bồi dưỡng được coi là giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định.

Tính đến hết năm 2021, tổng số công chức của các cơ quan Trung ương tại 16/18 bộ, ngành (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và địa phương là 233.219 người. Trong số này, công chức ở các cơ quan Trung ương có 99.489 người, chiếm 42,66%; công chức ở địa phương từ cấp huyện trở lên là 133.719 người, chiếm 57,36%. Số lượng công chức nữ là 102.288 người, chiếm 43,86%.

Số chuyên viên cao cấp và tương đương là 1.953 người, chiếm 0,84%; chuyên viên chính và tương đương là 34.089 người, chiếm 14,62%; chuyên viên và tương đương là 172.165 người, chiếm 74,08%; cán sự và tương đương 17.443 người, chiếm 7,48%; nhân viên là 7.569 người, chiếm 2,98%.

Cán bộ, công chức cấp xã ở thời điểm cuối năm 2021 là 210.333 người; trình độ từ đại học trở lên 171.874 người, chiếm 81,72%; cao đẳng 8.739 người, chiếm 4,16%; trung cấp 15.138 người, chiếm 7,2%; sơ cấp và chưa qua đào tạo 14.582 người, chiếm 6,92%.

Tổng viên chức ở các cơ quan Trung ương và địa phương là 1.761.045 người: Trung ương có 130.471 người, chiếm 7,4%; địa phương từ cấp huyện trở lên có 1.630.574 người, chiếm 92,6%. Trong đó, nữ 1.198.507 người, chiếm 68,06%. Trình độ đại học trở lên là 1.359.564 người, chiếm 76,2%; cao đẳng có 257.102 người, chiếm 13,6%; trung cấp 168.023 người, chiếm 9,44%; sơ cấp và chưa qua đào tạo là 16.868 người, chiếm 0,76%.

Chú thích ảnh
Đoàn Singapore dự diễn đàn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo ông Phạm Minh Hùng, trước năm 2021, Việt Nam thực hiện các hình thức đào tạo bồi dưỡng như: Tập sự, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo vị trí việc làm… Từ 2021 đến nay, Việt Nam bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý…

Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có trình độ phát triển cao. Tính đến năm 2021, đã có 90% cán bộ, công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định. Trung bình cả nước có trên 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên.

Giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 39.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức (công chức là lãnh đạo, quản lý chiếm 45%; công chức làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách chiếm 19%; giảng viên 16%).

Cho biết Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, ông Phạm Minh Hùng thông tin, vừa qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ cắt giảm hàng trăm chứng chỉ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó, giúp giảm tải gánh nặng chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến giảm chồng chéo trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này. Đây là một nội dung quan trọng trong hoàn thiện thể chế.

Cùng với đó, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, gắn với thực tiễn, điều hành; tăng cường công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng với các nước trong ASEAN và các nước có nền công vụ tiên tiến trên thế giới.

Tại Diễn đàn, các đại biểu quốc tế đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, các giải pháp xây dựng và đảm bảo năng lực công vụ, thiết kế chiến lược, chính sách… hướng đến cùng xây dựng nền công vụ ASEAN hiện đại, chuyên nghiệp và thích ứng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
ACCSM 21: Đưa ra hệ thống lương, thưởng phù hợp để thu hút nhân tài
ACCSM 21: Đưa ra hệ thống lương, thưởng phù hợp để thu hút nhân tài

Một nội dung đáng chú ý được đại biểu đề xuất tại Cuộc họp cán bộ cấp cao hợp tác ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về các vấn đề công vụ lần thứ 6 (ACCSM +3 SOM), diễn ra chiều 3/8 là đưa ra một hệ thống lương, thưởng phù hợp để thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN