Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII:

Công chứng viên phải có kiến thức chuyên sâu

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng: Hoạt động công chứng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi bổ sung các quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công việc.

 

Độ tuổi phải theo quy định


Theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An), về tiêu chuẩn công chứng viên quy định tại Điều 14, theo quy định của dự thảo: Công chứng viên hành nghề đến đủ 65 tuổi, đây là quy định mới được bổ sung trong dự thảo lần này.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Lâm phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Lâm Khánh – TTXVN.


Hoạt động công chứng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi bổ sung các quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công việc. Ngoài ra còn đòi hỏi công chứng viên phải có sức khỏe làm việc trong môi trường chịu nhiều áp lực, có tinh thần thật minh mẫn, sáng suốt để chứng nhận hợp đồng giao dịch của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy, dự thảo bổ sung quy định giới hạn về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là cần thiết. Tuy nhiên, quy định công chứng viên được hành nghề đến độ tuổi nào là điều cần phải xem xét và phải có cơ sở khoa học để chứng minh. “Theo tôi độ tuổi hành nghề của công chứng viên cần phải xem xét theo độ tuổi theo quy định Bộ Luật lao động”, đại biểu Nguyễn Minh Lâm khẳng định.


Phân tích về tiêu chuẩn của công chứng viên, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cũng cho rằng: Điều 14 dự thảo luật bổ sung thêm Khoản 3 quy định về tuổi hành nghề tối đa của công chứng viên, không phân biệt giới tính nam hay nữ. Đây là điểm mới tiến bộ so với Luật Công chứng năm 2006, bởi hoạt động công chứng ngoài đòi hỏi kỹ năng về chuyên môn, công chứng viên cần có tư duy về nghiệp vụ, sắc bén, cần có sự tinh thông và nhạy cảm trong nghề nghiệp. “Vì thế khi công chứng viên hành nghề đến độ tuổi nhất định nào đấy. Cao tuổi thì sẽ bị hạn chế về sức khỏe không đáp ứng được các yêu cầu này. Việc quy định độ tuổi hành nghề Công chứng đã góp phần quan trọng trong việc lựa chọn cho đất nước những công chứng viên ưu tú nhất nhằm góp phần làm cho hoạt động công chứng ngày càng phát triển mạnh hơn”, đại biểu Siu Hương nhấn mạnh..


Nhiều ý kiến cho rằng, công chứng là một nghề đặc biệt nó dễ gây hậu quả khôn lường, nếu có sai sót và tiêu cực trong công chứng nên cần người có sức khỏe, kinh nghiệm.


Phải qua đào tạo


Theo Luật Công chứng hiện hành đã cho phép nhiều đối tượng như thẩm phán, Viện kiểm sát, điều tra viên, luật sư đã hành nghề từ ba năm trở nên, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự nghề công chứng.


Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, công chứng viên là một nghề đòi hỏi phải có hiểu biết vừa rộng, vừa sâu kiến thức mà đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế thương mại, hôn nhân gia đình, đất đai. Cũng có kỹ năng để nhận biết các loại giấy tờ đâu là giả, đâu là thật và đánh giá năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Cho nên việc đào tạo chung tại các trường đại học cũng chưa thể có đủ điều kiện tạo thành điều kiện cần và đủ. “Vì vậy, việc đào tạo nghề công chứng chuyên sâu cho những người muốn làm công chứng viên tôi thấy rất cần thiết. Tuy nhiên quy định trong dự thảo luật tại Điều 17 còn rất sơ sài, chưa đủ, cần phải quy định rõ thêm. Đối với những đối tượng miễn đào tạo tôi cũng thống nhất như trong dự kiến giải trình, tiếp thu của Chính phủ là thu hẹp lại. Nhưng dù có thu hẹp lại thì việc bồi dưỡng nghề vẫn cần chứ không phải là miễn như trong dự kiến, tôi thấy không nên, vì đây cũng là một lĩnh vực chuyên sâu, chuyên biệt”, đại biểu Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.


Một số ý kiến của đại biểu dẫn chứng, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật công chứng, số lượng công chứng viên tăng lên nhưng chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Thực tế có những thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư... Từ khi được bổ nhiệm đến khi chuyển sang xin bổ nhiệm công chứng viên chỉ thực hiện các vụ án hình sự, trong khi công chứng viên là chứng nhận các hợp đồng giao dịch đa số thuộc lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại. Do đó, dự thảo cần xem xét quy định bắt buộc các đối tượng phải qua đào tạo nghề công chứng mới được công nhận là công chứng viên.


Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn chứng: Báo cáo của Bộ Tư pháp nêu lên các sai phạm trong hoạt động công chứng thì có đến 80% vi phạm tập trung ở nhóm đối tượng được miễn đào tạo tập sự nghề công chứng. Vậy vấn đề đặt ra ở đây, nếu như vậy thì việc khắc phục trường hợp 80% sai phạm này thì phải tăng cường đào tạo bồi dưỡng họ, nhưng ở đây chúng ta lại hoặc thu hẹp phạm vi miễn đào tạo bồi dưỡng lại, vẫn giữ nguyên như thế thì liệu có mâu thuẫn với thực tế của các sai phạm mà chúng ta được đánh giá hay không? “Tôi đề nghị xem xét lại Điều 16 sửa lại theo hướng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng.

Và cùng những sai phạm đó thì chúng ta lại quy định họ miễn tập sự, tôi đề nghị sửa theo hướng thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, họ được miễn đào nghề nhưng họ phải tập sự. Bởi vì tập sự là mới vào nghề thì anh phải tập sự, cho nên không miễn tập sự nghề cho những đối tượng mà được miễn đào tạo”, đại biểu Tô Văn Tám góp ý.


V.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN