1-Tham nhũng không phải là “định mệnh”
Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Nó là một loại "vi rút" của quyền lực. Bất kỳ quyền lực nào về bản chất cũng chứa đựng mầm mống nảy sinh tham nhũng. Điều này dẫn đến những ý kiến theo thuyết định mệnh và bi quan cho rằng tham nhũng tồn tại như một "định mệnh" đối với nhà nước và không thể bị tiêu diệt. Những thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng thật hiếm hoi và rất ít quốc gia giảm được tham nhũng một cách đáng kể trong thời gian ngắn. Nhưng tham nhũng không phải là một "định mệnh". Đã có nhiều chiến lược của các chính phủ, nhiều sáng kiến của các công dân và nhiều phương cách để chống tham nhũng. Bài học thành công của Hồng Công, Xinhgapo về chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy có thể là minh chứng khẳng định những điều đó.
Quang cảnh phiên xử phúc thẩm (diễn ra chiều 30/8/2012) vụ án "Cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Tham nhũng có thể chưa hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng người ta có thể kiềm chế nó thông qua những yếu tố có thể làm nó biến đổi. Một công thức đã được thừa nhận: Tham nhũng = Quyền lực độc quyền + Tùy ý định đoạt - Trách nhiệm(1). Hay nói cách khác, mức độ tham nhũng có thể thay đổi phụ thuộc vào sự biến đổi của quyền lực độc quyền, quyền tùy ý quyết định mà các quan chức sử dụng và mức độ trách nhiệm mà họ phải chịu về hành động của mình. Công thức này cũng chỉ ra những mặt cần can thiệp để có thể kiềm chế được tham nhũng. Những chiến lược chống tham nhũng thành công đã đồng thời cố gắng làm giảm bớt quyền lực độc quyền (có thể bằng những cải cách định hướng thị trường), giảm quyền tùy ý định đoạt (bằng cải cách hành chính) và tăng cường tính trách nhiệm (thông qua các cơ chế giám sát) của các quan chức để bất cứ một công việc gì cũng phải gắn với trách nhiệm của một người nào đó.
Một nghiên cứu khác cho rằng: Tham nhũng = Độc quyền + Tùy tiện quyết định + Thiếu công khai. Độc quyền dẫn đến việc tự quy định giá và chỉ bán khi được giá; Tùy tiện dẫn tới việc các quan chức có thể tùy ý trả lời "Có" hoặc "Không" hoặc "Bao nhiêu tiền" mà không bị khiếu kiện và Bí mật thể hiện sự không thể kiểm soát nổi của các thỏa thuận trong các cuộc “đi đêm”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do vậy phải thông qua việc không ngừng giảm bớt những độc quyền, hạn chế sử dụng quyền hành một cách tùy tiện và nhất là phải thiết lập được sự công khai, minh bạch ngày càng cao trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vì “Thông tin là kẻ thù số một của lậu thuế”(2). Những cải cách chống tham nhũng, quan liêu phải nhằm và đạt được các mục tiêu cốt lõi về chính trị và hành chính. Quá trình thực hiện những cải cách đó phải thường xuyên được đánh giá bằng các báo cáo trung thực và những tiến bộ cụ thể sẽ xác nhận những lời cam kết.
Để có kết quả tốt, để hiệu quả được chứng minh trong thực tế, trong công việc cấp bách chống tham nhũng và xây dựng Đảng hiện nay và trong thời gian tới, thực tiễn đang đòi hỏi Đảng phải có một chiến lược và đi kèm theo đó là hệ thống các giải pháp hữu hiệu.
Nói đến chiến lược tức là nói không thể tiến công cùng một lúc vào mọi biểu hiện của “bệnh tật”. Điều này có vẻ như không tỏ rõ được quyết tâm, nhưng muốn đạt được lòng tin cần phải thu được những kết quả cụ thể trong một thời hạn nhất định. Sự hùng biện với những lời lẽ màu mè không đi đôi với hiệu quả thực tế sẽ gây ra tác dụng trái lại, đó là sự thờ ơ, bàng quan trong xã hội với những nội dung cao xa mà nó đề cập đến. Điều cần thiết hiện nay là phải tạo ra được những bước đột phá có tính quyết định trong thực tế.
Trong cuộc chiến cam go này, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Cùng với sự nỗ lực của Đảng, cần huy động nhân dân tham gia cùng với Đảng chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng và góp ý xây dựng Đảng. Cần xã hội hóa và phải tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ thúc đẩy công việc này.
2-Nhân dân tham gia cùng với Đảng chống tham nhũng
Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi nhân dân tham gia vào việc xây dựng Đảng. Đặc biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, sự tham gia của nhân dân càng trở nên cần thiết và quan trọng. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy rằng bất cứ một cuộc cải cách nào cũng chỉ thắng lợi khi thu hút được sự ủng hộ và tham gia tích cực của quần chúng vào quá trình cải cách. Nhiều cố gắng vãn hồi tình hình của bộ phận lãnh đạo đã thất bại trước sự thờ ơ của dân chúng.
Quan điểm huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ những giai đoạn cách mạng trước. Trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hữu ích. Người đã chỉ rõ: "... Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên"(3). Người chủ trương: “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” để có thể “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(4).
Vấn đề huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, cùng với Đảng chống tham nhũng đã được đề cập và được Đảng chủ trương đẩy mạnh triển khai trong thực tế cuộc vận động xây dựng Đảng bằng những công việc cụ thể và cũng đã thu được một số kết quả nhất định. Nhân dân đã phát hiện, tố cáo cho Đảng, cho các cấp có thẩm quyền nhiều vụ việc tiêu cực, đấu tranh với những hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở tính hệ thống và toàn cục, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống chính sách, chế tài cụ thể và có hiệu lực để sự giám sát của nhân dân có hiệu lực. Những hiểu biết về quyền hạn và trách nhiệm của dân trong lĩnh vực này còn mơ hồ. Dân được giám sát những nội dung gì? Phản ánh đến cơ quan nào, với ai? Những sự khen thưởng và bảo vệ (nếu cần thiết) cho những người phản ánh cho Đảng những biểu hiện vi phạm của cán bộ đảng viên có thể nhận được ở đâu, mức độ ra sao? v.v. Những câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng, cụ thể. Việc giám sát của nhân dân với Đảng chưa thành nếp trong suy nghĩ và hành động của từng người dân, chưa được luật hóa trong đời sống chính trị - xã hội.
Điều quan trọng khi huy động nhân dân tham gia chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng là phải thay đổi được thái độ của nhân dân trước những biểu hiện tiêu cực, để nhân dân tham gia tích cực, ủng hộ những cố gắng của Đảng trong việc tự xây dựng, chỉnh đốn mình. Nếu từ những người dân bình thường đến những nhà doanh nghiệp có thói quen coi những “bệnh tật” tham nhũng, quan liêu, lãng phí như những "điều xấu tất yếu" của bộ máy và có thói quen hy vọng đạt được những mục đích trong công việc của mình dựa vào việc hối lộ cho những người có quyền ra quyết định thì mọi cuộc vận động chống chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều sẽ thất bại.
Đảng cần nâng cao hiểu biết của nhân dân về những quyền lợi của mình bị xâm phạm bởi các cán bộ, đảng viên đã thoái hóa biến chất; tạo được dư luận xã hội lên án những hành vi và cá nhân sai phạm cũng như làm cho nhân dân nhận thức rõ về trách nhiệm của mình phải tố giác những sai phạm. Điều cao hơn có thể tiến tới là xây dựng được những chuẩn mực đạo đức xã hội khi ứng xử trong công việc giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Cần công khai trước dân những chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của các đảng viên, các cơ quan, công khai rộng rãi những điều đảng viên không được làm để nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát, đồng thời tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình cả trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt việc cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng - là đồng nghiệp trong cơ quan, nhân dân ở nơi cư trú - để nhân dân có thể trực tiếp tham gia góp ý nhận xét từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành những công việc được giao một cách cụ thể và chính xác. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và quan trọng hơn là phải đạt được hiệu quả thực tế, tránh rơi vào bệnh hình thức, qua loa.
Một "kênh" khác có thể trợ giúp tốt cho việc huy động nhân dân tham gia chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng là sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua những hoạt động có trách nhiệm, các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng như một cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ. Đây được coi là một lực cản khá lớn với các "bệnh tật" có thể phát sinh. Các nhà hoạt động chính trị và các công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích cá nhân nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của mình khó có thể bị bóc trần trước công chúng và bị dư luận lên án. Tất nhiên cần đề phòng những âm mưu lợi dụng dân chủ và tự do ngôn luận để thực hiện mục đích chống phá, gây rối loạn của những thế lực thù địch. Giới hạn hợp lý để bảo vệ những lợi ích quốc gia và quyền tự do riêng tư của các cá nhân trong khi tự do hóa các phương tiện thông tin đại chúng là điều cần thiết và phải được hoạch định bằng một tư duy sáng suốt.
Chống tham nhũng là một nhiệm vụ cấp bách của Đảng hiện nay. Đây là một cuộc chiến cam go, là công việc đặt ra rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng không thể không làm. Để đi đến thắng lợi, ngoài quyết tâm, còn cần những biện pháp có hiệu quả mạnh mẽ. Những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng cần tập trung vào những "điểm nóng" và phải quyết tâm đạt được những kết quả cụ thể "nhìn thấy được" trong những khoảng thời gian được ấn định.
* * *
Đọc lại Hồ Chí Minh, thật ngạc nhiên, chúng ta thấy những chỉ dẫn cho những vấn đề rất "nóng" của xã hội hiện nay đã được Người nêu rõ tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cách đây đã hơn 40 năm: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong.
Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ” .
Hôm nay, những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) đang được tiến hành với tinh thần đó của Hồ Chí Minh.
Ngô Vương Anh
(1) Xem thêm Kiềm chế tham nhũng - Hướng tới một mô hình xây dựng sự trong sạch quốc gia, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tr 169.
(2) R. Klitgaard (1996) - Trích từ Tạp chí Người đưa tin UNESCO - Số 6, tr 32.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CTQG, Hà Nội, Tập 15, tr 547.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr 338.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 13, tr 421.