Chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ

Ngày 15/5, tại Viện Khoa học xã hội, số 8, đường Nelson Maldela ở trung tâm thủ đô của Ấn Độ đã diễn ra buổi lễ chính thức khai trương Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam.

Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran cắt băng khai trương Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ. Ảnh: Huy Bình

Đến dự buổi lễ có Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, đại sứ các nước Lào, Philippines, Brunei, đông đảo các học giả, các nhà nghiên cứu Ấn Độ, bạn bè quốc tế cùng giới báo chí nước sở tại.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Preeti Saran cho biết mối quan hệ hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam là mang tính lịch sử, trải qua nhiều thế kỷ và mối quan hệ này không chỉ thuần túy dựa trên những lợi ích tương đồng và quan điểm chung mà còn khởi nguồn từ nét riêng biệt của hai nước, trong những truyền thống tinh thần của các xã hội xưa.

Đây là mối quan hệ được hình thành trong các cuộc đấu tranh chung giành tự do và giải phóng dân tộc. Khi hai nước đấu tranh giành độc lập, các nhà lãnh đạo phong trào độc lập của hai nước đã liên lạc trực tiếp với nhau và chúng ta hiện là những người thừa kế di sản của nhà lãnh tụ Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Saran cho biết thêm trong chuyến thăm cấp nhà nước của cựu Tổng thống Pranab Mukherjee tới Ấn Độ hồi tháng 9/2014, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã được thành lập ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tiếp nối di sản kế thừa từ tình hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo hai nước, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam đã được khai trương ngày hôm nay sau khi đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang công bố trong cuộc nói chuyện với học giả và sinh viên Ấn Độ tại Bảo tàng tưởng nhớ Nehru.

Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran, Đại sứ các nước Việt Nam, Lào, Brunei trao đổi tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam.

Bà Preeti Saran khẳng định ngày nay, Việt Nam không chỉ là một người bạn tin cậy mà còn là một cột trụ chủ chốt trong chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ và là một đối tác rất quan trọng của Ấn Độ trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Mối quan hệ song phương dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau mạnh mẽ cũng như sự hội tụ về quan điểm đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Bà bày tỏ tin tưởng quan hệ đối tác Ấn Độ - Việt Nam vững mạnh sẽ dẫn tới sự thịnh vượng, phát triển, hòa bình và ổn định cho nhân dân hai nước và cho khu vực rộng lớn hơn.

Trong những năm qua, quan hệ song phương giữa hai nước đã được tăng cường và mở rộng sang nhiều lĩnh vực và trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang Việt Nam, mối quan hệ này đã được nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó hợp tác quốc phòng và kinh tế là một cột trụ trung tâm.

Bà Preeti Saran cho hay chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 năm nay và sau đó là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra trong tháng 3 là chỉ dấu rõ ràng cho thấy cam kết chung của hai nước sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này.

Bên cạnh đó, hai nước còn có mối quan hệ ngày càng phát triển trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Trong 5 năm qua, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng từ 6 tỷ USD lên 10 tỷ USD và dự kiến trong tài khóa 2017-2018 sẽ còn cao hơn.

Tuy nhiên, theo bà Preeti Saran, Ấn Độ và Việt Nam vẫn còn có thể đạt được nhiều thành tựu hơn nữa khi hai bên cần phải tăng cường kết nối kinh tế và thương mại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kết nối đường biển và đường không, cần tham gia các cuộc trao đổi thông tin định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực trong giải quyết các vấn đề an ninh biển và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn trên các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là ở Liên hợp quốc và ASEAN.

Bà bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam sẽ phát triển trở thành tiêu điểm cho các trao đổi học giả không chỉ làm phong phú mối quan hệ song phương mà còn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Tôn Sinh Thành phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Huy Bình

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng đây là một sự kiện quan trọng trong mối quan hệ đang phát triển giữa Việt Nam và Ấn Độ, mối quan hệ hữu nghị đã được 2 nhà lãnh đạo vĩ đại của 2 đất nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawarharlal Nehru sáng lập.

Đại sứ nhận định vẫn còn có nhiều không gian để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa hai nước, đặc biệt là làm cho mối quan hệ này trở nên thực sự chiến lược và toàn diện. Và để làm được điều này, các nhà nghiên cứu của cả hai nước đóng một vai trò rất quan trọng. Theo Đại sứ, không có những nghiên cứu khoa học thì hai bên khó có thể nắm bắt hết những cơ hội và thách thức cũng như các cách thức để đạt được mục tiêu trong mối quan hệ đối tác này.

Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã được thành lập 4 năm trước và đã tổ chức thành công được rất nhiều hoạt động để giúp người dân Việt Nam hiểu hơn về Ấn Độ cũng như mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Đại sứ Tôn Sinh Thành bày tỏ tin tưởng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam ở Ấn Độ dù mới được thành lập nhưng có thể làm tốt hơn nữa trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cam kết sẽ nỗ lực hết sức để giúp đỡ trung tâm, nhất là trong giai đoạn ban đầu.

Trong phần phát biểu của mình, đại sứ các nước Lào, Brunei, Philippines đã chúc mừng việc thành lập trung tâm, bày tỏ tin tưởng trung tâm sẽ góp phần tăng cường cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Tại buổi lễ, trung đã chính thức ra mắt trang web của mình và ký bản ghi nhớ (MoU) với Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề buổi khai trương, Giám đốc danh dự Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Sonu Trivedi cho hay sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ là sự kiện rất quan trọng vì Việt Nam là quốc gia có quan hệ lâu đời về văn hóa với Ấn Độ và hiện nay là một đối tác chiến lược toàn diện.

Trung tâm sẽ tập trung vào tất cả các khía cạnh trong quan hệ 2 nước, thúc đẩy giao lưu nhân dân, xóa bỏ khoảng trống kết nối, đặc biệt là tập trung vào quan hệ kinh tế. Trung tâm được ra đời trên ý tưởng thành lập một cơ sở để các học giả quan tâm cùng nghiên cứu, trao đổi về Việt Nam.

Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tập trung vào quan hệ kinh tế Ấn Độ - Việt Nam bởi quan hệ kinh tế là yếu tố quan trọng nhất làm sinh động quan hệ 2 nước. Trung tâm dự kiến tổ chức một hội thảo quốc tế về chủ đề này trong 2 ngày 26-27/7. Bên cạnh đó, hàng tháng, trung tâm cũng sẽ mời các học giả và chuyên gia về Việt Nam đến thảo luận và viết bài nghiên cứu. Ngay tuần tới, trung tâm sẽ tổ chức sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru.  

Về phần mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ là bước phát triển quan trọng trong quan hệ 2 nước. Việt Nam - Ấn Độ có quan hệ lâu đời hàng nghìn năm và đã thiết lập quan hệ ngoại giao hơn 45 năm, đã được nâng lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực mà hai bên cần phát triển và mở rộng hơn nữa và điều này cần sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu Ấn Độ. Tại Việt Nam đã có Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và việc ra đời Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ là bước tiếp theo giúp cho quan hệ 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn.

Huy Bình - Minh Luyến (New Delhi)
Tham khảo Chính trị lần thứ 10 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 7 Việt Nam - Ấn Độ
Tham khảo Chính trị lần thứ 10 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 7 Việt Nam - Ấn Độ

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, từ ngày 9-10/4 tại New Delhi, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý và Bí thư phương Đông thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran đã đồng chủ trì kỳ họp Tham khảo Chính trị lần thứ 10 và Đối thoại Chiến lược lần thứ 7 giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN