Cần kịch bản chi tiết cho nền kinh tế trước dịch bệnh, thiên tai  

Trong phiên họp sáng 2/11, Kỳ họp thứ 10, (đợt 2) Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021… Một số đại biểu đánh giá cao bản báo cáo của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ cần có những kịch bản chi tiết hơn trước diễn biến bất thường hiện nay.

Tính toán những tình huống xấu      

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh cho biết: Đại dịch COVID làm cho hơn 1,2 triệu người trên thế giới tử vong, các nước tăng trưởng âm, suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng. Ở Việt Nam, COVID-19 làm 35 người tử vong, bên cạnh đó, thiên tai trong  trong 10 tháng vừa qua làm 249 người chết và mất tích. Vắc- xin phòng chống dịch COVID-19 chưa có. Tất cả những điều này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế xã hội.      

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Lạng Sơn và Gia Lai thảo luận ở tổ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam đang từng bước vượt qua thách thức. Việt Nam là 1 trong 3 nước trong khu vực ASEAN tăng trưởng dương. Việc chúng ta đặt mục tiêu ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, người dân không trong cảnh “màn trời chiếu đất” là một nỗ lực rất tốt.      

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, bản báo cáo của Chính phủ đặt mục tiêu cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 là 6% chưa đủ trong bối cảnh thế giới và trong nước chưa rõ nét về kiểm soát dịch bệnh và quá nhiều yếu tốt bất định trong tương lai. Chính phủ nên có nhiều kịch bản hơn.       

“Chính phủ nên đưa ra 2 chỉ tiêu dựa trên nhiều cơ sở đánh giá. Ví dụ, World Bank dự báo nếu tình hình tốt, Việt Nam tăng trưởng 6,8%; nếu không thuận lợi là tăng trưởng 4,5%. Vì thế Việt Nam nên có kịch bản xấu bởi đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Chính phủ nên trình Quốc hội 2 phương án: Bất lợi và có lợi”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.      

Cũng trong tinh thần phát triển nền kinh tế -xã hội lấy mục tiêu phòng chống dịch COVID- 19 để làm tiền đề phát triển nền kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với Chính phủ về việc ngừng không mở cửa du lịch quốc tế, sử dụng tiêu chí, quy trình cho tiếp nhận người nước ngoài. Tăng xử phạt nghiêm minh đối với hành vi đưa người bên ngoài vào Việt Nam.      

Còn đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế - xã hội năm 2020 có nhiều phát sinh không lường trước được, do đó rất cần có nghiên cứu đánh giá lại. Đồng thời Chính phủ cần thảo luận đưa ra những bài học rất cụ thể, dự báo thời gian tới.      

“Trong báo cáo của Chính phủ có đề cập đến những vấn đề này nhưng có những vấn đề chưa trúng “điểm huyệt” trong thời gian tới. Chúng ta cần có sự chuẩn bị để kích hoạt nền sản xuất khi đã khống chế dịch bệnh trong bối cảnh các nước còn nhiều khó khăn”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.       

Giải pháp nội tại và ứng biến an ninh      

Đưa ra 3 gợi ý kích hoạt nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh cho biết, lĩnh vực đầu tiên cần kích cầu là du lịch. Đại biểu cho rằng nhu cầu người dân đi du lịch là có thực nhưng có cảm giác ngành du lịch trong nước chưa sẵn sàng tái khởi động cho việc này.      

“Ngành du lịch phải tính giảm giá, quảng bá thế nào để khách hàng hạng trung bình khá trở lên hưởng thụ dịch vụ cao cấp. Có những khu nghỉ, khách sạn 2, 3 sao hôi, mốc sau thời gian tạm ngưng, nếu doanh nghiệp không có vốn đầu tư tiếp thì nhà nước kích cầu gì. Tôi cho rằng du lịch trở lại ngoạn mục nếu ta đủ sẵn sàng. Báo cáo Chính phủ cũng bàn về việc này khá chung chung”, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng.          

Giải pháp thứ 2 mà Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đưa ra là nhằm vào lĩnh vực nông nghiệp. Bà đánh giá dư địa ngành nông nghiệp rất lớn, trong khi nhiều nước xung quanh không sản xuất được thì Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất, cung cấp hàng hoá cho thị trường quốc tế.      

“Cùng với sản xuất nông nghiệp là sản xuất hàng tiêu dùng trong nước. Công nghiệp hỗ trợ đã nói nhiều năm nhưng đây là cơ hội để chúng ta kích hoạt lĩnh vực này cho tốt để cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam. Họ sẽ sử dụng những mặt hàng lắp ráp do doanh nghiệp của Việt Nam cung cấp, do việc nhập khẩu gặp khó khăn, càng cần có những mặt hàng hỗ trợ như vậy. Cũng nên đặt vấn đề là trong nước cung ứng được không, ở mức nào. Nếu không thì Chính sách của Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ sống được, tạo đà công nghiệp hỗ trợ phát triển”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.      

Nêu giải pháp thu hút vốn đầu tư bên ngoài, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: Trong hoạt động triển khai đầu tư công, đẩy nhanh gói hỗ trợ và các gói hỗ trợ..., vừa qua, chúng ta đưa ra rất nhanh nhưng hiệu quả thấp. Vì thế, cần đẩy nhanh xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư thông qua hình thức trực tuyến để tìm cơ hội hàng hoá đi ra thế giới. Hiện nay xuất khẩu bắt dầu chậm lại và có những chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao. Thế giới đã điều tra ra: Các nhà đầu tư của Nhật sẽ rời khỏi Trung Quốc sang các nước Châu Á, đặc biệt Đông Nam Á, nhưng chúng ta phải có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư này.    

 Đưa ra bài toán về ngân sách, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết: Hiện nay Việt Nam đang bội chi, giảm thu, nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu, vấn đề tỷ giá và vấn đề an sinh xã hội (thiên tai và COVD-19 dẫn tới gánh nặng về an sinh xã hội), chúng tôi đề nghị giải pháp 5 năm tới phải hết sức khoa học và chi tiết.     

Nhấn mạnh về bài toán an ninh quốc phòng, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay: “Trước đây chúng tôi có góp ý, mọi chính sách đều phải lưu ý đến an ninh truyền thống và phi truyền thống. Với COVID-19 cho thấy an ninh phi truyền thống tác hại hơn cả an ninh truyền thống. Chúng ta phải tính lại vấn đề miễn visa. Đặc biệt, khi ở cạnh một quốc gia lớn như Trung Quốc, an ninh phi truyền thống cần đặt ra liên tục vì thường xuyên có các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép”.      

Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn…  từ ngày mai (3/11) đến 5/11, các đại biểu họp tại hội trường để thảo luận những nội dung này.    

 Phiên thảo luận tại Hội trường được phát thanh truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Lê Vân/ Báo Tin tức
Bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Sáng 2/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 10, (đợt 2) Quốc hội khóa XIV đã dành phút tưởng niệm cán bộ chiến sỹ đã hy sinh và người dân tử nạn trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN