Cần ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công viên chức quốc phòng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).


Đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Yên – Đồng Nai – Bắc Giang thảo luận tại tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Thảo luận dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, các đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), Bùi Thị An (Hà Nội), Ngô Văn Hùng (Lào Cai)… nhất trí cho rằng cần thiết ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng để phù hợp với Hiến pháp, thẩm quyền của Quốc hội, quy định về hệ thống hàm, cấp của quân nhân chuyên nghiệp. Mặt khác, kịp thời bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của các luật khác. Việc ban hành Luật này sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát các quy định có liên quan, đặc biệt là các chế độ, chính sách đặc thù đối với quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cho phù hợp với quy định của một số luật khác như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Góp ý về vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cơ bản đã xác định rõ vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần làm rõ chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp là chế độ tự nguyện và chế độ phục vụ của công nhân, viên chức quốc phòng là chế độ tuyển dụng.

Theo đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai), quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm vị trí nòng cốt trong công tác chuyên môn kỹ thuật, trực tiếp chiến đấu, được biên chế chức danh. Công nhân quốc phòng là người tự nguyện phục vụ đảm nhận công tác chuyên môn, kỹ thuật trong quân đội, được biên chế vào các nhà máy, kho, trạm xưởng… Viên chức quốc phòng được biên chế ở các cơ quan, học viện nhà trường. Tuy vai trò, vị trí của họ có khác nhau nhưng các chế độ, chính sách được hưởng như nhau.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, nhiều ý kiến tán thành với quy định về quyền, nghĩa vụ chung của quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng cũng như các nghĩa vụ có tính chất riêng biệt đối với từng đối tượng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định công nhân, viên chức quốc phòng có nghĩa vụ như quân nhân là không phù hợp, hoặc trong việc chấp hành điều lệnh, điều lệ của quân đội, vì hệ thống điều lệnh, điều lệ của quân đội có nhiều loại. Công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng không phải là quân nhân, nếu quy định họ phải chấp hành tất cả các điều lệnh, điều lệ như quân nhân chuyên nghiệp là thiếu khả thi.

Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể vào các nội dung khác của dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng như: Chức danh, diện bố trí quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; xếp loại, nâng loại, chuyển vị trí chức danh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp...

Cũng tại phiên thảo luận tổ chiều 27/10, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết, các quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, nhiều nội dung của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và cho rằng: Dự thảo Nghị quyết và Nội quy đã được chuẩn bị công phu, hồ sơ đầy đủ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.


Các đại biểu tán thành với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội; tuy nhiên cần cân nhắc quy định về trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt trên 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp Quốc hội thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không thể coi việc đại biểu Quốc hội vắng mặt tại hội trường để tham gia các cuộc họp do các cơ quan của Quốc hội chủ trì chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo văn bản trình Quốc hội là vắng mặt tại phiên họp Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp toàn thể, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định trong trường hợp thảo luận tại phiên họp toàn thể mà không có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu thì Chủ tọa có thể cho đại biểu Quốc hội kéo dài thời gian phát biểu. Trong trường hợp nội dung phát biểu phức tạp thì có thể mời đại biểu Quốc hội là chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực đó phát biểu. “Riêng khi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngoài việc gọi theo thứ tự, cần ưu tiên các đại biểu là chuyên gia kinh tế có nhiều kinh nghiệm", đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị.

Theo chương trình, ngày 28/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về các nội dung: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Nhiều góp ý về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Nhiều góp ý về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN