Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: Hoàn thiện thể chế để tạo 'gốc' vững chắc

Thời gian qua, ngành xây dựng tiếp tục dồn toàn lực cho những khâu, lĩnh vực, nhiệm vụ then chốt, dài hạn, kịp thời thực hiện, đồng thời đề xuất, tham mưu với Chính phủ tháo gỡ những vấn đề vướng mắc nổi cộm trong thực tiễn. Thế nhưng, hoàn thiện thể chế được xem như "đòn bẩy", tạo ra cái "gốc" vững chắc.

Đây cũng chính là quan điểm của người đứng đầu ngành xây dựng - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp đầu xuân. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trong khối công việc đồ sộ mà ngành xây dựng đã thực hiện thời gian qua, ông tâm đắc nhất điều gì, thưa Bộ trưởng? 

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý nhà nước tiếp tục được Bộ Xây dựng tập trung đẩy mạnh, hoàn thiện theo hướng tạo lập môi trường pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, phục vụ tốt nhất thực tiễn. Môi trường đầu tư kinh doanh trong ngành xây dựng được cải thiện và thông thoáng hơn. Hoàn thiện thể chế chính là cách tạo cái "gốc" vững chắc.

Đây cũng chính là kết quả mà tôi tâm đắc nhất bởi ngành xây dựng đã đi đúng hướng, đã tập trung cho  những vấn đề cốt lõi nhất trong quản lý đầu tư xây dựng. Từ đó, giải quyết được yêu cầu trước mắt; đồng thời sẽ tạo ra những đột phá mới về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, quản lý thị trường xây dựng một cách công khai minh bạch, theo đúng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới. Các hoạt động xây dựng ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng công trình được bảo đảm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Năm 2019 vừa qua, ngành xây dựng đã đạt và vượt 7/8 chỉ tiêu phát triển chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng ước đạt 9,1%, đóng góp hơn 1% vào tăng trưởng kinh tế. Quản lý nhà nước về xây dựng được tăng cường, các hoạt động xây dựng ổn định, nề nếp; chất lượng công trình được đảm bảo. Quản lý trật tự xây dựng có chuyển biến tốt hơn. Chỉ số cấp phép xây dựng đứng thứ 25/190 nền kinh tế và giữ vị trí thứ 3 trong ASEAN.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cũng được cải thiện theo hướng minh bạch, chặt chẽ mà vẫn đủ "thông thoáng". Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này? 

Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý nhà nước được Bộ Xây dựng coi là khâu then chốt, vừa dài hạn nhưng cũng là cấp bách, được tập trung chỉ đạo thực hiện với quan điểm xuyên suốt. Đó là phải đảm bảo đổi mới tư duy, phù hợp thực tiễn, không biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ, lợi ích ngành; đẩy mạnh phân cấp phân quyền hợp lý. 

Có thể nói, năm 2019 Bộ Xây dựng đã hoàn thành khối lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn. Đến nay Bộ đã hoàn thành, trình 2 Dự án Luật; 5 Nghị định; 1 Nghị quyết; 8 Quyết định; 2 Chỉ thị và ban hành theo thẩm quyền 8 Thông tư. Ngoài ra, Bộ đang gấp rút hoàn thành 4 Quyết định; 12 Thông tư...

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án, Chiến lược quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Điển hình là Đề án Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; Đề án An ninh kinh tế trong bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; Chiến lược phát triển đô thị quốc gia; Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050…

Đặc biệt, dự án Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Đây là một luật chuyên ngành nhưng rất nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội, được người dân, chuyên gia và các nhà khoa học rất quan tâm. 

Lần đầu tiên các quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong hoạt động kiến trúc đã được luật hóa. Bộ đang tập trung xây dựng Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật.

Bộ trưởng có nhắc đến sự đổi mới trong tư duy khi xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Vậy những đổi mới này có ý nghĩa tích cực ra sao, thưa Bộ trưởng? 

Bộ Xây dựng đã có sự đổi mới mạnh về tư duy, nhận thức trong quá trình hoàn thiện thể chế với quan điểm chung là cơ quan Nhà nước chỉ làm những gì thuộc chức năng quản lý Nhà nước, không làm những việc xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khác có thể làm và cần phải làm. 

Điều này ngay tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua (dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2020) đã thể hiện rõ quan điểm này. 

Các nội dung sửa đổi nhằm tăng cường, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng thể hiện qua sự quản lý thống nhất của Trung ương. Việc phân cấp được tăng cường hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Tuy vậy Luật sửa đổi, bổ sung vẫn bảo đảm được sự công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng; phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng. 

Hay như việc tích hợp hoặc thực hiện song song các thủ tục nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp; trong đó, có việc tích hợp cấp phép và thiết kế, giảm thời gian thẩm định và cấp phép từ 30 ngày xuống còn 20 ngày…

Với những nội dung mới đưa vào sửa đổi, bổ sung Luật sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đầu tư xây dựng hiện nay; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tư duy về quản lý chi phí xây dựng cũng được thay đổi căn bản. Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đồng thời triển khai 2 đề án quan trọng về hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. 

Kiên quyết thực hiện các nội dung này sẽ có sự đột phá mới về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện đúng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tính đúng tính đủ, phù hợp với từng loại nguồn vốn, tiến tới công khai minh bạch, phòng chống thất thoát tham nhũng trong đầu tư xây dựng. 

Hiện Bộ đã rà soát toàn bộ hơn 14.000 định mức đơn giá liên quan đến xây dựng để loại bỏ những đơn giá, định mức lỗi thời, không còn phù hợp. Cùng đó, hoàn thiện được 13 phương pháp xác định quản lý chi phí mới, cập nhật tiến bộ của các nước tiến tiến trên thế giới, từ đó sẽ xây dựng hệ thống đơn giá định mức theo phương pháp mới, phù hợp với thực tiễn. 

Cải cách hành chính, rà soát cắt giảm các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong ngành xây dựng đã đi vào thực chất, tháo gỡ nút thắt cho hoạt động đầu tư xây dựng. Các cải cách đều theo sát tinh thần Nghị định 100/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Nhờ đó, chỉ số cấp phép xây dựng tiếp tục được cải thiện và là chỉ số xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

Bộ đã báo cáo Chính phủ và đề xuất kiến nghị, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện luật pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích…

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về xây dựng được tăng cường hơn. Năm 2019, trước những vấn đề lớn và bức xúc của thực tế, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị về quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch, về tăng cường quản lý bất động sản. 

Ngành xây dựng các địa phương cũng đã tham mưu cho chính quyền, cấp ủy để ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn quản lý nhà nước về xây dựng  trên địa bàn, tạo sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương… 

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! 

Thu Hằng/TTXVN (thực hiện)
Nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật
Nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật

Tại Phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời nhiều câu hỏi các đại biểu Quốc hội nêu về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, một số vướng mắc hạn chế trong công tác này và việc chậm ban hành một số văn bản dưới luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN