23 ngày không có ca lây nhiễm mới COVID-19; nhiều giải pháp an sinh và thúc đẩy kinh tế được đề xuất

Bên cạnh thông tin tích cực về tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, ngày 9/5 ghi nhận rất nhiều giải pháp vĩ mô được bàn định nhằm hỗ trợ kinh tế đất nước hồi phục, phát triển và an sinh xã hội.

Tròn 23 ngày không có ca mắc mới COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế: Ngày 9/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy tính từ ngày 16/4 đến nay, đã 23 ngày nước ta không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.403 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 175; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.145; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 8.083

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 13 ca.

Chú thích ảnh

Tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Trước hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các trường học mầm non, tiểu học đã khẩn trương cập nhật kế hoạch đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại. Các trường đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát y tế và nâng cao chất lượng bữa ăn học đường.

Trong một diễn biến khác, trong hai ngày 8- 9/5, các cơ quan chức năng Việt Nam, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Canada đưa 276 công dân Việt Nam từ Vancouver về nước, gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, người đi du lịch bị kẹt lại và du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa trở về nước an toàn.

Chú thích ảnh
Máy bay của Vietnam Airlines đón công dân Việt Nam tại sân bay quốc tế Vancouver (Canada). Ảnh: TTXVN phát.

Trong suốt chuyến bay, hành khách và toàn bộ tổ bay chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh dịch tế. Tất cả hành khách cũng đã được cách ly và kiểm tra y tế theo quy định khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.

Trong thời gian tới, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước rà soát và tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trên cơ sở nguyện vọng của công dân, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong và ngoài nước, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly của các địa phương.

Đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 96 điểm cầu trên toàn quốc và truyền hình trực tiếp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hội nghị này được đánh giá là diễn đàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian xảy ra dịch COVID, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua. Rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho DN. Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và DN của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Trình bày dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ:

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thời gian tới cần huy động các DN nhà nước có quy mô lớn thực hiện vai trò dẫn dắt, mở đường trong sản xuất ngành, lĩnh vực mới để đáp ứng yêu cầu này; tập trung vào các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp mũi nhọn.

Bên cạnh đó, khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các DN FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, NHNN và toàn hệ thống các NHTM trong thời gian qua đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tập trung mọi nguồn lực nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm đồng loạt lãi suất tiền vay đợt 2 từ ngày 15/4/2020 cho hơn 90 ngàn khách hàng. 

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng điều hành lãi suất một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, mục tiêu chính sách tiền tệ, đặc thù hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các TCTD ổn định và giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo ổn định tỷ giá.

Thống đốc NHNN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; Chủ động cân đối vốn để sẵn sàng đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc; Tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn phù hợp hỗ trợ hoạt động của hệ thống các TCTD.

Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: Khẩn trương hướng dẫn và tái cấp vốn cho NHCSXH để cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động; Chỉ đạo các TCTD và Napas miễn phí chuyển tiền của NHCSXH đối với các khoản thanh toán phục vụ cho việc chuyển tiền để giải ngân, cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động, miễn phí dịch vụ thanh toán đối với các các khoản chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp tới người thụ hưởng.

Thống đốc NHNN cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có các biện pháp quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm quốc gia, các dự án phát triển đô thị (nhất là những dự án sắp hoàn thành và chuẩn bị khởi công), xem xét một số dự án quan trọng để chỉ đạo trực tiếp việc triển khai, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện mạnh mẽ để triển khai các dự án FDI, dự án đầu tư tư nhân (nhất là tại các khu vực kinh tế trọng điểm). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành; khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo… để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…

Với gói tín dụng ưu đãi 300.000 tỷ, các ngân hàng bên cạnh việc nỗ lực giải ngân, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, cũng phải có trách nhiệm bảo toàn nguồn vốn, tránh nguy cơ phát sinh nợ xấu của nền kinh tế.

Kích cầu, phát triển thị trường nội địa

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa - người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam, bao gồm cả các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.

Đây được xem như giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại phiên chợ Hàng Việt. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Chủ tịch VCCI đề xuất các giải pháp:

Nghiên cứu các chính sách tài khóa mạnh hơn như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ cụ thể để giúp DN giảm giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa: Tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung cầu trên thị trường trong nước; Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Tháo gỡ nút thắt của lĩnh vực bất động sản, khuyến khích, thúc đẩy cho lĩnh vực nhà ở xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại, đầu tư; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới. Xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam là quốc gia an toàn, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ tất cả các DN, người nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam ngay cả trong điều kiện khó khăn nhất.

Xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch tại Việt Nam. Xây dựng một số đề án xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư gọn nhẹ, lên kế hoạch, phương án triển khai cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng để có thể tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các quốc gia trên thế giới.

Xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, các thương hiệu ngành hàng, sản phẩm được lựa chọn và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam trên thị trường quốc tế; sớm có cơ hội tiếp cận đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao, văn hóa ở nước ngoài sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là hình thức online về cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là cho DN vừa và nhỏ. Để khai thác tối đa các FTA đã được ký kết và có hiệu lực, cần có sự vào cuộc đồng thời của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong việc quảng bá, làm rõ, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để kịp thời nắm bắt các lợi thế mang lại.

Tài chính hỗ trợ người dân

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội vay tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng, với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.

Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố sáng 9/5.

Chú thích ảnh
Phát tiền hỗ trợ cho người có công trên địa bàn quận Đống Đa theo gói 62.000 tỷ đồng. Ảnh: XC

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, số tiền 16.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội.

"Toàn bộ các cơ chế, hướng dẫn về gói cho vay này đã được ban hành kịp thời để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện sớm", Thống đốc nói.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, đến nay 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ đồng, 45/63 tỉnh đã rà soát xong và bắt đầu từ ngày 9/5 sẽ hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng.

Ước tính, số tiền chi cho nhóm đối tượng lao động tự do, lao động dừng hợp đồng vào khoảng 7.630 tỷ. Bên cạnh đó, đã có 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng.

Trong 7 nhóm hỗ trợ, Chính phủ nhấn mạnh quan tâm nhóm lao động trong các doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc lao động, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm hưu trí tử tuất.

Liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ xã phường, thôn bản khi triển khai, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho biết thêm: Chính quyền cấp xã là người hiểu sâu sắc nhất, rõ nhất và đồng thời phát huy được vai trò của người dân tại địa phương trong việc lập danh sách, cũng như việc kiểm tra các đối tượng có phù hợp với chính sách . Chính vì vậy, đối với gói an sinh xã hội này chính quyền địa phương cấp xã giữ vai trò hết sức quan trọng.

Khi danh sách được lập ra, Chủ tịch UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm chỉ đạo, rà soát, xem xét và phê duyệt. Danh sách được lập từ thôn, tổ dân phố được niêm yết công khai ở xã, phường.

Đối với doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm trước danh sách lập ra để hỗ trợ các đối tượng. Các vấn đề đều được công khai, minh bạch từ các cấp để tránh việc lợi dụng, trục lợi từ chính sách này. Đồng thời đưa ra những chế tài xử lý nghiêm vi phạm đối với những người trục lợi chính sách này, dù đó là cán bộ, công chức, người dân hay doanh nghiệp"- Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”

Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành kế hoạch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Du khách tham quan ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên). 

Theo kế hoạch, Bộ VHTTDL mà đơn vị thực hiện trực tiếp là Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tác; thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực.

Các Sở Du lịch, Sở VHTTDL tham mưu cho UBND các tỉnh/ thành phố tổ chức phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn; Thông tin rộng rãi về việc mở cửa các điểm du lịch, về mức độ an toàn, sẵn sàng thu hút khách du lịch; đồng thời xây dựng các quy định, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương; Có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý, góp phần giảm giá thành, tăng hấp dẫn các gói kích cầu du lịch.

Các Sở vận động, khuyến khích các doanh nghiệp liên quan du lịch trên địa bàn tham gia; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các cam kết khuyến mại khi tham gia chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng theo Kế hoạch này.

Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam và HHDL các địa phương hưởng ứng tham gia và chủ động có kế hoạch triển khai chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; Khuyến khích các doanh nghiệp thành viên xây dựng chính sách giảm giá dịch vụ, phục vụ khách du lịch, phối hợp với các hãng hàng không, vận tải, các bên cung ứng dịch vụ thành lập Liên minh kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa từ ngày 1/6 đến 31/12/2020. Kinh phí triển khai Kế hoạch từ Chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá, phát triển du lịch của các địa phương, doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác

P.V/Báo Tin tức
Herbalife Việt Nam đóng góp hơn 3,7 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19
Herbalife Việt Nam đóng góp hơn 3,7 tỷ đồng phòng chống dịch COVID-19

Ngày 8/5/2020 Herbalife Việt Nam đã trao 2.330.000.000 đồng cho đại diện Ủy Ban T.Ư. Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam phía Nam để góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phòng phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN