Ngày 10/10, lần đầu tiên Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế hình ảnh, thương hiệu hạt gạo Việt Nam, đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà nhập khẩu gạo quốc tế đến từ hơn 30 nước để phát triển thị trường gạo Việt.
Bước chuyển mình ngoạn mục
Từ chỗ làm không đủ ăn, ngành lúa gạo Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước mà còn vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Rất nhiều loại gạo Việt Nam được trưng bày tại Hội nghị gạo quốc tế, được nhiều đối tác nước ngoài quan tâm.
|
"Xuất khẩu gạo của nước ta đã chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á (Trung Quốc chiếm đến 40%), Singapore, Malaysia, một số nước khu vực châu Phi...", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.
Theo các số liệu thống kê, năm 2017 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,4 triệu tấn, giá trị bình quân đạt hơn 439 USD/tấn. 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất được khoảng 4,9 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kì năm ngoái, đạt giá trị hơn 475 USD/tấn, thu về 2,46 tỷ USD.
Từ An Giang ra Hà Nội dự hội nghị, ông Huỳnh Văn Thòn, GĐ điều hành Công ty CP Gạo Lộc Trời có sự lạc quan về sự phát triển của ngành lúa gạo. Bởi ngay với những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản, vừa qua doanh nghiệp cũng đã đưa gạo vào được.
"Sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, đạt chứng chỉ quốc tế chính là chìa khóa để hạt gạo Việt Nam vào được các thị trường khó tính", ông Thòn cho hay.
Quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tình hình thế giới hiện nay đặt ra một số thách thức với ngành lúa gạo Việt Nam. Nhiều nước có xu hướng tự cung tự cấp lúa gạo, hạn chế nhập khẩu. Một số nước áp dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất gạo để nâng cao năng suất. Điều này khiến thị trường lúa gạo cạnh tranh rất gay gắt.
"Mặc dù gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao song năng lực tiếp cận, xâm nhập thị trường, kí kết hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo còn hạn chế. Các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng tại các nước biết đến", Thứ trưởng Hải cho hay.
Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu tại công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food), thành phố Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
|
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết: Thị trường Trung Quốc vốn nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam thì nay cũng đưa ra nhiều điều kiện khắt khe về kích cỡ hạt gạo. Nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn bị trả về. Một số nước Hồi giáo khu vực Trung Đông lại thích loại gạo hạt dài, trong khi Việt Nam không có giống gạo đó, nên không đáp ứng được.
"Với Nghị định mới xóa bỏ các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo về xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp nhỏ cũng có cơ hội xuất khẩu gạo, miễn là tìm được đối tác và đáp ứng tiêu chuẩn của nước sở tại", vị đại diện cho biết.
Ngày 15/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/10/2018. Nghị định tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.
"Cùng với Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo... hành lang pháp lý sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị gạo. Thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ tập trung tái cơ cấu, quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gạo, quảng bá hình ảnh thương hiệu gạo Việt Nam tại các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Bộ sẽ làm việc với các kênh phân phối gạo ở thị trường nhập khẩu, giúp hạt gạo Việt Nam dễ dàng xuất khẩu vào các thị trường này.