Theo ông Trần Thanh Hải, một điều dễ dàng nhận thấy là khi mức thuế giảm về 0% sẽ giúp giảm hàng rào thuế quan, góp phần xích gần khoảng cách giữa con tôm Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ và đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh, đây cũng là bài học cho doanh nghiệp Việt khi rơi vào hình thức áp dụng phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh...
Rút kinh nghiệm từ sau vụ việc này, ngay từ khi xuất khẩu doanh nghiệp phải có một hệ thống giám sát nội bộ chặt chẽ, minh bạch và công khai về nguyên liệu đầu vào để khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá thì có thể chứng minh với nước nhập khẩu về hàm lượng trong hàng hóa kinh doanh của mình.
Ông Trần Thanh Hải cũng phấn khởi cho rằng, kết quả này cũng là sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đấu tranh với nước nhập khẩu để duy trì lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam để dỡ bỏ rào cản cũng như các biện pháp bảo hộ mà nước nhập khẩu đưa ra.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, kết quả xét duyệt cho thấy, các doanh nghiệp tôm Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ với giá bán cạnh tranh công bằng, không xuất hiện việc bán phá giá để kiếm lợi bất chính trên thị trường quốc tế. Kết quả này chính là thông tin động viên cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, tạo đà thuận lợi cho con tôm Việt xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2019 có nhiều khả quan hơn.
Trong lịch sử 13 năm tham gia vụ kiện xem xét hành chính chống bán phá giá tôm đối với doanh nghiệp Việt Nam tại Mỹ, đợt xét hành chính lần thứ 13 này là một kết quả vượt ngoài mong đợi của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) nhận định, so với những lần trước đây, chỉ có vài doanh nghiệp đạt mức thuế 0% qua các đợt xem xét hành chính. Thế nhưng, trong lần xem xét hành chính lần thứ 13, có đến 31 doanh nghiệp Việt xuất khẩu tôm sang Mỹ đều được đánh giá công bằng, cạnh tranh lành mạnh tại thị trường Mỹ.
Có thể nói, chưa bao giờ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam được áp mức thuế chống bán phá giá là 0%. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã cung cấp số liệu đầy đủ, thỏa đáng, đáp ứng đúng yêu cầu xét duyệt về thuế chống bán phá giá tôm gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam kỳ vọng mức thuế sơ bộ này được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong tháng 9/2019 sắp tới. Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Mỹ mới có dấu hiệu khả quan hơn trong năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, xuất khẩu tôm trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 550 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Đánh giá về sự sụt giảm này, ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Sóc Trăng nhìn nhận, con tôm Việt hiện đang cạnh tranh gay gắt với con tôm từ các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador..., do các quốc gia này tăng diện tích sản xuất tôm trong 2 năm gần đây. Điều này làm cho giá tôm giảm, kéo theo giá trị xuất khẩu sẽ không cao dù số lượng xuất khẩu tăng.
Với tin vui về mức thuế chống bán phá kỳ 13 bằng 0%, ngành tôm Việt sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh với con tôm Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Nguồn tôm đến từ các quốc gia này vẫn chịu mức thuế chống bán phá giá của Mỹ và cả sức ép của Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP). Tuy nhiên, đây là tin vui nhưng cũng chỉ là kết quả sơ bộ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn không được lơ là, chú trọng vào chất lượng sản phẩm hơn nữa để chờ công bố chính thức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về vấn đề này vào tháng 9/2019.
Để có thể giữ vững thế cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngoài việc giữ mức thuế chống bán phá giá từ các quốc gia nhập khẩu bằng 0%, các doanh nghiệp tôm Việt Nam và người sản xuất tôm phải vượt qua được các rào cản thương mại mới khắc phục khó khăn do các quốc gia nhập khẩu đặt ra.
Mặt khác, ngành tôm Việt Nam phải xây dựng được lợi thế nội lực, dù hiện nay ngành tôm “đụng đâu vẫn còn vướng đó”, ngành tôm mới nắm thế chủ động trên thương trường. Riêng các hộ nuôi tôm liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, người nuôi phải tính chắc chắn lịch thời vụ, thu hoạch đúng kích thước theo yêu cầu của thị trường mới đạt giá trị cao nhất.
Ngành tôm Việt Nam muốn cạnh tranh song phẳng với các quốc gia khác, các bộ ngành từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người nuôi, nhà khoa học phải có sự liên kết chặt chẽ tương hỗ lẫn nhau, tạo ra con giống chất lượng, sản phẩm giá trị cao với giá thành sản xuất thấp nhấp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ thêm.