Thương mại xuất siêu lên tới 18,72 tỷ USD

Theo thông tin của Tổng cục Hải quan chiều 29/10, mặc dù dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú (Hậu Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Trong tháng 10/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 51,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2%. 

Với kết quả ước tính trên, trong 10 tháng/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dự kiến đạt 439,82 tỷ USD, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 ước tính thặng dư 2,2 tỷ USD. Như vậy, tính chung trong 10 tháng năm nay, cán cân thương mại dự kiến xuất siêu lên tới 18,72 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số thặng dư 9,3 tỷ USD của 10 tháng năm trước.

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu 10 tháng năm nay tăng mạnh ở các nhóm hàng chủ lực là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,1 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 6,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,1 tỷ USD, sắt thép tăng 648 triệu USD và đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 599 triệu USD. Tuy nhiên, có nhiều nhóm hàng chính lại giảm trong 10 tháng năm nay như: Hàng dệt may giảm 2,5 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm 2 tỷ USD; giày dép các loại giảm gần 1,5 tỷ USD, xăng dầu các loại giảm 935 triệu USD, máy ảnh máy quay phim và linh kiện giảm 749 triệu USD.

Giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2020 ước tính đạt mốc cao nhất từ trước tới nay với 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Trong đó, ghi nhận tăng cao ở một số nhóm hàng như nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày tăng 198 triệu USD, dầu thô tăng 150 triệu USD, điện thoại các loại & linh kiện tăng 131 triệu USD,  ô tô nguyên chiếc các loại tăng 41 triệu USD. Ngược lại, một số nhóm hàng lại giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 127 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 128 triệu USD, hạt điều giảm 74 triệu USD. Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lũy kế trong 10 tháng/2020  đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo Báo cáo ngày 29/10 về tình hình kinh tế xã hội tháng 10/2020 và 10 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê, trong số thị trường hàng hóa xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ  USD, tăng 14%; thị trường EU đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%; thị trường ASEAN đạt 19 tỷ USD, giảm 11,6%; Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, giảm 2,6%; Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, giảm 7%. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 10 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 65,8 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lúc dịch COVID-19 còn tiếp tục tác động tiêu cực tới thương mại trong nước cũng như thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu trong xã hội giảm mạnh và kéo dài do dịch bệnh, chi tiêu của Chính phủ là công cụ chính để kích thích tổng cầu trong nền kinh tế. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả đóng vai trò quan trọng để giúp phục hồi sản xuất, duy trì tăng trưởng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng hiện nay tỷ lệ tận dụng FTA còn thấp, do một số Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức còn hạn chế về các FTA.

“Muốn được hưởng các lợi ích mà hiệp định mang đến, nhất là hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi thì các cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải rất hiểu các cam kết để thực hiện tốt và hóa giải các thách thức. Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu về các FTA, chủ động thay đổi để thích ứng với các tiêu chuẩn cao. Cùng với đó, để chủ động được chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA thế hệ mới, việc thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều cần được Chính phủ quan tâm”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

 

TN/Báo Tin tức
Làm rõ chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động
Làm rõ chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động

Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN