Khi cầu thủ ngã trên đống tiền

Các cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới thường lĩnh lương vài triệu euro mỗi năm. Họ rất giàu có. Thế nhưng, cũng không ít người trong số đó đã “đốt” sạch tiền bạc, vì chi tiêu thái quá, vì đầu tư không đúng chỗ, thậm chí vì nghiện ngập...

 

Paul Gascoigne khánh kiệt vì chứng nghiện rượu. Ảnh: Zimbio

 

Bruno Bellone, Jose Toure, Paul Gascoigne, Colin Hendry, Crescencio Cuellar, Keith Gillespie, Celestine Babayaro, Jason Euell, Carl Cort, John Barnes, John Arne Riise, Eric Djemba - Djemba, Ferenc Puskas, Dietmar Hamann... Danh sách dài này còn vừa ghi thêm tên Brad Friedel và Lee Hendrie. Ngoài tài năng trên sân cỏ, những cầu thủ vừa kể còn gặp nhau ở một điểm chung khác: Trong hoặc sau sự nghiệp thể thao của mình, họ đều bị phá sản.


Nếu không có Bentley...


Ở tuổi 42, Friedel hiện vẫn chưa treo găng. Thủ môn người Mỹ đang phải gồng mình lên để kiếm tiền trang trải khoản nợ thuế 5 triệu bảng, sau khi Học viện bóng đá của anh ở Ohio bị “sập tiệm” năm 2011. Tuy nhiên, sau khi đã mất vị trí bắt chính tại Tottenham và hợp đồng chỉ còn 1 năm, không biết đến bao giờ Friedel mới có thể giải quyết được những rắc rối với cơ quan thuế.


Tình hình còn tệ hơn với Hendrie. Từng một thời được xem là niềm hy vọng của bóng đá Anh và là ngôi sao của Aston Villa, nhưng nay Hendrie đã mất sạch. Những lựa chọn không đúng đắn trên chặng đường sự nghiệp, những khoản đầu tư sai lầm và một vụ ly dị đã khiến cầu thủ này sụp đổ. Ngoài khoản nợ hơn 1 triệu bảng vào thời điểm này, Hendrie cũng đã 2 lần tự tử bất thành, vì quá mệt mỏi với cuộc sống. Hendrie đang được chờ đợi sẽ giải thích về sự phá sản và những khoản nợ của anh trước tòa.


Qua hình ảnh của Friedel và Hendrie, có thể thấy những nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá sản của các ngôi sao bóng đá là rất nhiều. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính bản thân cầu thủ. Ở những bước khởi đầu sự nghiệp, khi họ nhận những tấm séc đầu tiên, xu thế chung là “tiêu tiền không phải nghĩ”. Họ thết đãi bạn bè bằng những bữa tiệc thâu đêm, suốt sáng và đặc biệt là tậu cho mình một chiếc xe hơi “đẳng cấp”, ngay cả khi phải đi vay thêm tiền.


Ở tuổi 42, Brad Friedel vẫn đang phải “cày” kiếm tiền để trả nợ. Ảnh: Zimbio

 

Gael Jouinot, chuyên gia tư vấn tài chính và luật cho nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, khẳng định: “Môi trường bóng đá là như thế. Một cầu thủ, khi bước chân vào một CLB, anh ta ít nhiều phải giống với những đồng đội xung quanh. Tôi vẫn còn nhớ chuyện một ‘ma cũ’ đã chỉ trích một ‘ma mới’, chỉ vì anh ta đã đến sân tập với một chiếc xe hạng xoàng. Xung quanh anh ta toàn là Bentley. Cứ như thể nếu bạn không có một chiếc Bentley năm 20 tuổi, đời bạn coi như không làm nên được trò trống gì”.


“Thủng túi” mà không biết


Hiện tượng thứ hai, thậm chí còn dẫn tới tình trạng phá sản nhanh hơn, đó là liên quan đến tiền thuế và những nhà tư vấn tài chính. Trên thực tế, rất nhiều cầu thủ đã đóng thuế hết sức chậm trễ. Không ít cầu thủ không hiểu rằng họ phải hoàn trả 50% số lương của mình cho cơ quan thuế. Khi việc nộp thuế chậm, những rắc rối bắt đầu xuất hiện.


“Một cầu thủ 18 tuổi kiếm được 10.000 euro/tháng, cậu ta sẽ tiêu hết, mà không nghĩ đến việc phải để dành một nửa. Nhiều tháng, hoặc nhiều năm sau đó, không phải là 50% nữa, mà cậu ta sẽ phải bỏ 100% tiền lương để hoàn thuế”, Jouinot giải thích.


Để trợ giúp quản lý tài chính, thông thường các cầu thủ tìm đến các nhà tư vấn. Tuy nhiên, không phải ai cũng là nhà tư vấn tốt. Với sự “quân sư” như vậy, nhiều cầu thủ đã ném tiền của mình vào những lĩnh vực đầu tư có rủi ro cao, như chứng khoán chẳng hạn. Một số khác lại dồn tiền mua thật nhiều nhà, đất. Jouinot cho rằng, đó là những sai lầm hoàn toàn. Theo chuyên gia này, vào cuối sự nghiệp cầu thủ, những người đầu tư vào bất động sản mới ngã ngửa, khi biết rằng họ đang nợ rất nhiều tiền thuế.


Lúc đó, các cầu thủ bắt đầu bị báo động về tài chính. Không ít người đã phải đi “vay nóng” với lãi suất cao để thanh toán nợ nần, bởi mức lương của họ ở giai đoạn cuối sự nghiệp đã bị cắt giảm đi rất nhiều, sau một lần chuyển CLB, hoặc tệ hơn là gặp phải chấn thương.


Ngay như siêu sao Lionel Messi mới đây cũng đã bị các nhà chức trách Tây Ban Nha tố “quỵt” tới 5 triệu euro tiền thuế. Nếu không phải Messi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, có lẽ không dễ để cầu thủ này kiếm được một khoản tiền như vậy để hoàn thuế.


Theo thống kê của Xpro, 60% cầu thủ tại Anh rơi vào tình trạng khánh kiệt, 5 năm sau khi kết thúc sự nghiệp. Con số tương tự cũng được ghi nhận tại Mỹ, ở nhiều môn thể thao, như bóng rổ hay bóng bầu dục. Trong khi đó, hơn một nửa số cầu thủ tại Pháp cũng gặp khó khăn về tài chính sau khi giải nghệ. Những con số trên cho thấy, việc phổ biến những kiến thức cơ bản về quản lý tài chính là hết sức cần thiết ở các trung tâm đào tạo thể thao.

 

Tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), các cầu thủ khi bắt đầu ký hợp đồng chuyên nghiệp đều phải trải qua một khóa học bắt buộc, kéo dài trong 4 ngày. Ở đó, họ sẽ được học cách quản lý tiền lương, được khuyến cáo về những “cái bẫy” thường phải đối mặt.



Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN