Gần 10 năm kể từ ngày giã từ sân đấu khi đang ở đỉnh vinh quang của sự nghiệp, Nhữ Thị Khoa vẫn gắn bó mưu sinh ở một góc phố nhỏ của Hà Nội. Vẫn khuôn mặt khắc khổ, già hơn so với tuổi, vẫn ánh mắt đượm buồn, dáng ngồi xe lăn tần tảo sớm hôm, chỉ khác là xung quanh chị giờ có thêm những thùng hoa quả.
Nữ vận động viên quyết liệt trên đường đua một thời |
Sinh năm 1971 tại Ứng Hòa, Hà Nội, Nhữ Thị Khoa là con thứ trong gia đình có 5 chị em. Năm lên 3 tuổi, sau cơn ốm sốt, Khoa bị bại liệt và vĩnh viễn không thể đi lại bằng chính đôi chân của mình. Từ đó, mỗi bước đi của chị đều cần đến nạng hoặc xe lăn. Thế nhưng, cô gái khi đến tuổi trưởng thành không cam phận sống dựa mãi vào gia đình, đã quyết rời nơi “chôn nhau cắt rốn” đi tìm kế sinh nhai, để có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vậy là hình ảnh một cô gái khuyết tật, ngồi trên chiếc xe lăn với thùng bánh mỳ hằng ngày ở ngã ba Trần Xuân Soạn - Lò Đúc (Hà Nội) bắt đầu từ đó.
Kể từ ngày Khoa dừng sự nghiệp thi đấu thể thao, đến nay nhiều người vẫn không quên được chị. Người phụ nữ này đã được xem là “cô gái vàng” của điền kinh người khuyết tật, là niềm tự hào của thể thao khuyết tật Việt Nam một thời, là tấm gương sáng cho sự vươn lên của biết bao người phụ nữ không may mắn khác.
Và Nhữ Thị Khoa chật vật trên “đấu trường” mưu sinh. |
Thể thao đến với Nhữ Thị Khoa như một cơ duyên rất tình cờ. Gần hai chục năm về trước, khi đang bán hàng thì chị gặp một người bạn có cùng cảnh ngộ, người bạn ấy đã rủ chị đến trung tâm luyện tập. Chị nhận lời mời của bạn với suy nghĩ đơn giản là tập thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe và được gặp gỡ, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, chứ không phải để mong kiếm thêm thu nhập hay hy vọng trở thành người nổi tiếng. Nhưng không ngờ rằng, càng luyện tập, chị lại càng say mê và “bén duyên” với thể thao lúc nào không hay.
Chị Khoa chia sẻ, những tháng ngày ở trung tâm là quá trình rèn luyện vất vả cả về kỹ thuật lẫn thể lực. Sáng sáng, khi những người bán hàng đêm trở về đi ngủ, thì trên chiếc xe kéo tay, chị vượt xóm liều Thanh Nhàn lên CLB Khúc Hạo để kịp tập trung ở số 1 Lê Hồng Phong vào 5 giờ 30 phút. Chặng đường dài 8 km nhưng chiếm tới 80 phút, nên chị phải khởi hành từ lúc 4 giờ sáng. Tập luyện vất vả, có nhiều lúc đôi tay chị rớm máu, chuột rút đến co quắp, biến dạng... Khó khăn là vậy, nhưng chị vui và háo hức vô cùng, vì ở sân tập có những người đồng đội luôn mong chị, thương chị và hơn tất cả là đồng cảm với những khó khăn, vất vả của chị.
“Khó khăn thì nhiều lắm, kể ra sao hết, nhưng lúc đó mình chỉ biết cố gắng hết sức mình”, chị Khoa chia sẻ. Đổi lại, những nỗ lực rèn luyện đã mang vinh quang về cho chị và đó là những tấm huy chương mà bất cứ ai cũng phải mơ ước. Năm 2003, Nhữ Thị Khoa tham gia giải tiền ASEAN Para Games tại Hà Nội và giành được 3 HCV. Tiếp đó, tại ASEAN Para Games 2 (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, do Việt Nam đăng cai) chị giành được 5 HCV. Thành công nối tiếp thành công, vào năm 2005, Khoa giành thêm 3 HCV tại giải tiền ASEAN Para Games và 5 HCV (trong đó có 3 HCV cá nhân và 2 HCV đồng đội) ở ASEAN Para Games 3 tại Philippines.
Với bảng thành tích thi đấu của Nhữ Thị Khoa qua 2 kỳ ASEAN Para Games, giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đều kỳ vọng vào thành tích thi đấu của chị ở những mùa giải tiếp theo. Thế nhưng, Khoa đã bất ngờ dừng lại bởi một lý do lớn lao là xây dựng gia đình.
Chị Khoa tâm sự: “Thể thao giúp tôi đứng vững hơn trong cuộc sống. Hồi chưa tham gia thể thao, tôi không dám nghĩ có một ngày mình lại được đi máy bay, được gặp gỡ, được giao lưu với mọi người và được nhiều người biết đến. Vậy mà tôi đã được ra nước ngoài, được tận hưởng những giây phút vinh quang từ niềm vui chiến thắng”.
Thời gian trôi qua, giờ đây Nhữ Thị Khoa chia sẻ về niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là làm mẹ của cô con gái có cái tên rất đẹp - Yến Chi, năm nay bước vào lớp 1. “Kinh tế ngày một khó khăn, chỉ bán bánh mỳ thì không đủ sống, tôi phải buôn bán hoa quả để mong có thêm thu nhập nuôi con gái nhỏ”, chị Khoa tâm sự.
Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, sau khi đưa con gái đến trường, chị lại hòa vào dòng người hối hả ngược xuôi đến địa điểm bán hàng, tự tay dọn hàng, rồi lại tự tay chị sắp xếp những thùng hoa quả. Tối đến, khi thành phố lên đèn mới là lúc chị Khoa chuẩn bị dọn hàng trở về nhà và dành thời gian chăm chút cho cô con gái nhỏ.
Như thấu hiểu được nỗi vất vả của chị, nên “ông Trời” dường như cũng thương chị hơn, sạp hoa quả của chị luôn tấp nập khách mua hàng mỗi ngày. Nhiều khách mua hàng mua hoa quả của chị vì hâm mộ nữ VĐV Nhữ Thị Khoa quyết liệt trên đường đua một thời, cũng có những người mua hàng vì thái độ bán hàng cởi mở, nhiệt tình, trung thực của chị, chứ không hề biết Khoa từng là VĐV có tiếng.
Vinh quang dù đã lùi xa sau cái bóng dáng khắc khổ của người phụ nữ ấy, thế nhưng, sâu thẳm trong đôi mắt chị vẫn ánh lên niềm vui, niềm tự hào, cho thấy tất cả vẫn như mới vừa hôm qua. Giờ đây, Nhữ Thị Khoa lại chật vật với đấu trường của riêng chị, đó là đấu trường mưu sinh. Ở đó chị phải nỗ lực hàng ngày để lo toan cho gia đình.
“Tôi luôn cầu chúc cho những VĐV, những người đồng nghiệp thi đấu thật tốt để đạt được thành tích cao, mang vinh quang về cho đất nước. Nhiều VĐV khuyết tật trong quá trình tham gia thi đấu đã đạt được những thành tích cao, nhưng khi nghỉ thi đấu thì công sức họ bỏ ra lại không được đền bù một cách xứng đáng. Tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách đãi ngộ phù hợp để những VĐV như chúng tôi không phải chịu thiệt thòi sau thi đấu”, đó chính là những tâm nguyện mà Nhữ Thị Khoa muốn gửi gắm, để những chiếc bánh xe lăn đỡ nặng gánh mưu sinh hơn, sau khi đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất của đời người cho thể thao nước nhà.
Quỳnh Như