Tuy nhiên lần này nỗi buồn nhân đôi khi tuyển Anh để thua trước Đức - đối thủ mà người Anh luôn muốn đánh bại ở bất cứ giải đấu nào mà họ tham dự. Đó cũng là năm mà bóng đá Anh lâm vào cuộc khủng hoảng thực sự, khi tỷ lệ cầu thủ bản địa ở các câu lạc bộ giảm xuống trông thấy. Điều này khiến Anh đối diện với nguy cơ thiếu hụt lớp kế cận thế hệ Steven Gerrard, Frank Lampard hay Rio Ferdinand.
Trong khi đó, người Đức lại đang rất thành công với sự chuyển mình vốn đã bắt đầu từ tận năm 1998, sau thất bại trước Croatia ở vòng tứ kết World Cup năm đó. Đức đặc biệt đẩy mạnh cuộc trẻ hóa và thay đổi lối chơi sau thất bại ở EURO 2004, khi Đức không vượt qua vòng bảng.
Cuộc “cách mạng” mà bóng đá Đức kiên trì theo đuổi đã giúp họ thành công. Giai đoạn 2006 - 2014 là lúc Đức liên tục có mặt ở các trận bán kết và chung kết ở các kỳ EURO và Wolrd Cup. Đỉnh cao của bóng đá Đức là vào năm 2014, khi họ vô địch ở Brazil với nòng cốt là những cầu thủ từng tỏa sáng ở đội U-21 Đức, trong đó có Mats Hummels, Manuel Neuer hay Mesut Ozil. Bóng đá Đức giai đoạn ấy là hình mẫu về cách làm bóng đá bài bản, khoa học, hiệu quả, điều mà người Anh khi đó không có.
Đứng trước nguy cơ tụt hậu với các nền bóng đá lớn khác, Anh quyết định phải thay đổi. Năm 2011, giải Ngoại hạng Anh ra mắt Kế hoạch hiệu suất người chơi ưu tú (EPPP), qua đó thay đổi hệ thống đào tạo bóng đá. Đây có thể coi là một màn thay đổi triệt để của bóng đá Anh, khi EPPP thay đổi triết lý huấn luyện cầu thủ và đào tạo huấn luyện viên.
Kế hoạch này tăng thời gian huấn luyện, cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý việc chuyển nhượng các cầu thủ Anh ở độ tuổi thiếu niên. Điểm quan trọng nhất của EPPP là kế hoạch này yêu cầu các câu lạc bộ của giải Ngoại hạng Anh và các giải cấp thấp hơn phải cam kết đầu tư cho học viện bóng đá trẻ. Lứa cầu thủ của Anh đang thi đấu ở EURO 2020 là những sản phẩm đầu tiên của EPPP, trong đó có Phil Foden, Mason Mount, Jadon Sancho và Reece James.
Cách làm bóng đá từ móng của Anh rất giống với cách làm của người Đức. Và theo tờ Telegraph, những người đứng đầu dự án EPPP cũng khẳng định họ đã học hỏi rất nhiều từ hệ thống đào tạo trẻ của Đức. Bên cạnh đó, lối chơi bóng của người Anh cũng dần thay đổi.
Các cầu thủ trẻ được đào tạo theo hướng ưu tiên kỹ thuật chứ không đơn thuần chỉ về mặt thể chất, điều rất khác với nền bóng Anh, vốn ưa chuộng lối chơi bóng dài và tạt cánh đánh đầu. Ngay cả khi đội tuyển Anh tiếp tục gây thất vọng trên đất Brazil vào năm 2014, những người đứng đầu kế hoạch EPPP vẫn kiên định với con đường họ đang đi. Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cũng ủng hộ kế hoạch này và quyết tâm thực hiện EPPP, dù lúc đó công chúng và báo chí chưa có nhiều thông tin cụ thể về EPPP.
Năm 2017, FA đã có được thành quả đầu tiên. Anh vô địch giải U17 và U20 thế giới, trong khi đội U19 vô địch châu Âu. Thành công ấy lập tức được chú ý. Trong khi đó, bản thân các cầu thủ cũng không ngừng thay đổi về mặt kỹ thuật, khi phong cách chơi bóng của các cầu thủ trẻ của Anh bớt cứng nhắc hơn, và đưa ra quyết định tốt hơn trên sân cỏ.
Đó là những mảnh ghép dẫn đến một bức tranh lớn. Năm 2018, Anh vào đến bán kết World Cup, và hiện đã vượt qua Đức một cách đầy thuyết phục để tiến vào tứ kết EURO 2020. Ba năm qua là lúc Anh cho thấy sự chuyển mình thực sự, từ cấp câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia. Lối chơi và tâm lý thi đấu của các cầu thủ Anh đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Rõ ràng, đây không phải là điều có được trong " một sớm một chiều", mà phải được diễn ra trong một quá trình kéo dài rất nhiều năm, trong đó EPPP đóng vai trò trung tâm.
Những người làm công tác quản lý bóng đá Anh hy vọng di sản của EPPP sẽ là một thế hệ huấn luyện viên mới giỏi hơn. Khi bóng đá Đức đổi mới, họ không chỉ nhắm vào các cầu thủ hay lối chơi, mà còn xây dựng lớp huấn luyện viên có tư duy hoàn toàn khác. Những huấn luyện thế hệ mới của Đức ưa kiểm soát, tấn công, điển hình là Jurgen Klopp hay Thomas Tuchel. Đó là điều mà bóng đá Anh còn rất thiếu nếu so với bóng đá Đức, khi Tam Sư không có một huấn luyện viên bản địa nào thành công trong rất nhiều năm qua.