'Vùng giao thoa' trong quan hệ Ấn - Hàn

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày tới Ấn Độ, chuyến công du được đánh giá là đáp ứng chính sách đối ngoại mà cả hai nước đang cùng tích cực theo đuổi.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại cuộc họp báo ở New Delhi ngày 10/7. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cụ thể, đối với Seoul là “Chính sách hướng Nam mới”, còn với New Delhi là chính sách “Hành động hướng Đông". Kết quả các cuộc gặp và hội đàm giữa nhà lãnh đạo Hàn Quốc với Tổng thống nước chủ nhà Ram Nath Kovind và Thủ tướng Narendra Modi  là 11 bản ghi nhớ (MoU) trên nhiều lĩnh vực được hai bên ký kết, trong đó đáng chú ý là việc xem xét nâng cấp Thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện (CEPA).

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Moon Jae-in tới Ấn Độ kể từ khi nhậm chức hồi năm ngoái và được đánh giá rất có ý nghĩa khi quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn chín muồi trong khuôn khổ một mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Sau hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã thành công trong việc xây dựng một mối quan hệ đối tác vững mạnh, đa chiều, bao trùm một loạt vấn đề cùng quan tâm, trong đó có giải trừ hạt nhân, an ninh hàng hải, hợp tác kinh tế khu vực, chống khủng bố và hợp tác năng lượng. Cả hai nước cũng quan tâm tới việc góp phần tạo ra một trật tự thế giới khu vực rộng mở, cân bằng, nhiều thành phần tham gia và không bị chi phối bởi bất kỳ một nước đơn lẻ nào. Ngoài ra, do cả hai nước phụ thuộc vào thương mại trên biển để phát triển kinh tế nên cùng có cam kết mạnh mẽ đối với tự do hàng hải và thương mại không bị cản trở tại những vùng biển mở.

Hợp tác giữa Ấn Độ và Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều dấu mốc quan trọng trong những năm gần đây và những lợi ích về an ninh cũng như kinh tế của hai nước đã hội tụ trên một loạt vấn đề. Hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược vào năm 2010 và sau đó lại ký tiếp CEPA. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Hàn Quốc hồi năm 2015, hợp tác giữa hai bên đã có đà phát triển mạnh mẽ hơn khi hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược đặc biệt" và bổ sung thêm các nội dung hợp tác cho các lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng, thương mại, đầu tư...

Điểm nổi trội trong quan hệ hai nước là trong lĩnh vực kinh tế. Với CEPA có hiệu lực từ năm 2010, thương mại và đầu tư song phương đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua việc kim ngạch thương mại duy trì ở mức trên 20 tỷ USD mỗi năm và Ấn Độ luôn là thị trường rộng lớn cho hàng hóa dịch vụ của Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, hai bên đã tiếp tục được xem xét và sửa đổi thỏa thuận này để quan hệ thương mại song phương thu nhiều kết quả hơn, giúp hai nền kinh tế có thể tận dụng những thế mạnh có thể bổ sung cho nhau nhằm tăng cường đầu tư, thúc đẩy liên doanh và hướng tới mục tiêu nâng thương mại song phương đến lên 50 tỷ USD vào năm 2030.

Những thỏa thuận được ký trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc lần này một lần nữa thể hiện quyết tâm của hai nước nâng tầm mối quan hệ hợp tác hiện nay phù hợp với lợi ich của hai nước, khi cả hai đều muốn mở rộng quan hệ hợp tác về an ninh và kinh tế, trong bối cảnh Hàn Quốc và Ấn Độ đều là những cường quốc châu Á đang ngày càng thể hiện rõ vai trò và tầm ảnh hưởng trong khu vực. "Chính sách phương Nam mới" của ông Moon Jae-in về cơ bản là được xây dựng với mong muốn mạnh mẽ là để Seoul bớt phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, đồng thời theo đuổi một chính sách ngoại giao cân bằng thông qua việc tăng cường quan hệ với những nước như Ấn Độ và Australia hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong khi đó, chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Ấn Độ đặt mục tiêu giúp New Delhi mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược ra những khu vực rộng lớn hơn, không chỉ Đông Nam Á mà cả Đông Bắc Á.

Sự tương quan trong hai chính sách nói trên có thể thấy rõ trong tầm nhìn chung giữa hai nước được công bố trong chuyến thăm, khi Ấn Độ một lần nữa khẳng định Hàn Quốc là một đối tác không thể tách rời trong chính sách "Hành động hướng Đông" và tương tự, Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ song phương với Ấn Độ và coi đây là một cột trụ trung tâm trong "Chính sách phương Nam mới", trong đó chuyến công du của Tổng thống Moon Jae-in "đánh dấu một bước đi hướng tới khởi động Chính sách hướng Nam mới một cách thực sự". Đó cũng chính là lý do mà Hàn Quốc đã quyết định nâng cấp quan hệ với Ấn Độ lên ngang với mức quan hệ mà nước này dành cho 4 đối tác truyền thống là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.

Rõ ràng, sự tương quan trong chính sách đối ngoại của New Dehli và Seoul đã tạo ra “vùng giao thoa” rộng lớn trong quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai nước. Hơn thế nữa, chuyến thăm lần này còn tạo cơ hội rất lớn để Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Modi chuẩn bị cho một lộ trình đưa mối quan hệ đối tác giữa hai nước lên tầm cao mới khi mà tiềm năng của mối quan hệ đối tác này vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Chuyến thăm đang mang lại một xung lực mới để tăng cường hơn nữa sự tham gia của Hàn Quốc vào nền kinh tế Ấn Độ và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt Ấn Độ - Hàn Quốc hướng tới tương lai.
 

Huy Bình (Pv TTXVN tại Ấn Độ)
Samsung khánh thành nhà máy lắp ráp điện thoại di động lớn nhất thế giới
Samsung khánh thành nhà máy lắp ráp điện thoại di động lớn nhất thế giới

Nhân chuyến thăm 4 ngày tới Ấn Độ, chiều 9/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của tập đoàn Samsung tại thành phố Noida, bang Uttar Pradesh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN