Trung Quốc:

Từ “công xưởng thế giới” đến “thị trường của thế giới”

Lần đầu tiên, “Kế hoạch 5 năm” vạch ra các bước để tăng mức tiêu dùng trong dân hướng đến mục tiêu tham vọng biến Trung Quốc trở thành một quốc gia hàng đầu về quy mô thị trường nội địa.



Thông điệp đã rõ ràng: Trung Quốc muốn chuyển mình từ “công xưởng của thế giới” thành “thị trường của thế giới”. Việc họ có thay đổi được mô hình phát triển hay không sẽ không chỉ quyết định liệu Trung Quốc có trở thành thị trường hùng mạnh trên toàn cầu mà còn là điều then chốt để thực hiện “Kế hoạch 5 năm” giai đoạn 2011-2015. Đã đến lúc không thể trì hoãn được đòi hỏi phải thay đổi từ mô hình tăng trưởng lấy động lực là xuất khẩu và tài nguyên sang mô hình với động lực là tiến bộ công nghệ và tính hiệu quả.

Những mặt hại của tăng trưởng kinh tế về số lượng (một hậu quả của nền kinh tế kế hoạch) có thể thấy rõ. Năm 1996, “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 9 cũng đã đặt ra nhiệm vụ cơ bản là chuyển từ mô hình tăng trưởng về số lượng sang một mô hình tập trung hơn, chuyên sâu hơn. Năm 2007, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 nhấn mạnh cần đẩy nhanh sự chuyển đổi từ tăng trưởng kinh tế đơn thuần sang phát triển toàn diện.

Nhưng bất chấp các dự tính đó, tiến triển đạt được chưa nhiều và mô hình tăng trưởng “hoành tráng” vẫn cơ bản không thay đổi. Điều nổi bật nhất của mô hình này là tình trạng quá phụ thuộc vào đầu tư. Cho dù tiêu dùng quốc nội đã tăng mạnh, tỷ trọng của nó trong GDP vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Thương mại hướng về xuất khẩu giúp tạo ra hàng chục triệu việc làm, biến Trung Quốc thành “công xưởng của thế giới”. Nhưng cái giá đổi lại cũng rất đắt, bao gồm các vấn đề ngày càng tệ hơn như lạm phát “ngầm”, tranh chấp lao động, ô nhiễm môi trường và các xung đột thương mại quốc tế. Ngay cả khi mô hình tăng trưởng này thể hiện rõ tính không bền vững và đang ở giai đoạn cuối của mình, không ít quan điểm cho rằng nó vẫn có thể đóng góp tốt cho nền kinh tế. Thực tế, căng thẳng giữa các mô hình cũ - mới đã trở thành một nguồn nguy cơ lớn cho kinh tế cũng như xã hội Trung Quốc.

Khi “Kế hoạch 5 năm” mới nhất nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của chuyển đổi kinh tế, các nhà quan sát ở Trung Quốc lẫn nước ngoài cho rằng lần này, Bắc Kinh sẽ quyết tâm tiến hành. Các nhà hoạch định quyết sách dường như cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận về việc cần phải thay đổi chiến lược bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm thay đổi hoàn toàn môi trường bên ngoài của kinh tế Trung Quốc, buộc nó phải hướng về chính mình để tìm kiếm nhu cầu thay thế. Nói cách khác, thách thức thực sự của cuộc khủng hoảng toàn cầu không phải là nó làm sụt giảm bao nhiêu sự tăng trưởng của một nền kinh tế mà là một nền kinh tế có thể tăng trưởng bằng cách nào.

Các điều kiện ở Trung Quốc đang chín muồi cho một sự thay đổi. Đô thị hóa nhanh chóng, khu vực dịch vụ ngày càng mở rộng và tiêu dùng phát triển đang củng cố tiềm năng cho một thị trường quốc nội khổng lồ. Trung Quốc cần tranh thủ vị thế mới của mình trong kinh tế toàn cầu để tìm ra lợi thế riêng trong cạnh tranh và hợp tác quốc tế, với cách nhìn duy trì song song hình ảnh “công xưởng” lẫn phát triển để thành “thị trường”.

Một sự chuyển đổi thành công sẽ không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà cho cả các nước khác. Về ngắn hạn, nó giúp làm dịu các tranh chấp thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc với bên ngoài. Về dài hạn, nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc và trở thành một động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Vai trò mới của Trung Quốc không nên là sự thay thế hoàn toàn vai trò cũ. Cả “công xưởng” lẫn “thị trường” cần phát triển liên tục, hỗ trợ lẫn nhau.

Trung Sơn
(P/v TTXVN tại Hồng Công)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN