Trước đó một ngày, các nhà hoạch định chính sách EU đã công bố kế hoạch 10 điểm để giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về đầu tư và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu, trong đó công nghệ viễn thông.
Theo EU, Trung Quốc vừa là đối tác hợp tác, vừa là đối thủ cạnh tranh kinh tế trong việc theo đuổi vị trí lãnh đạo công nghệ, và là địch thủ trong việc thúc đẩy mô hình quản lý thay thế. Các đề xuất trong kế hoạch cũng bao gồm việc thúc đẩy Bắc Kinh nhất trí với cải cách quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặc biệt là về trợ cấp và chuyển giao công nghệ.
Phản ứng trước động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, cạnh tranh lành mạnh sẽ tồn tại giữa các hệ thống kinh tế khác nhau và Bắc Kinh không muốn biến xu hướng này thành cạnh tranh theo kiểu đối đầu. Quan chức này cho biết Bắc Kinh hy vọng Brussels có thể ghi nhận nỗ lực cải cách mới của Trung Quốc, giữ thái độ công bằng, lý trí và khách quan, cũng như hợp tác để không ngừng thúc đẩy quan hệ Trung Quốc- EU.
EU đang quan ngại về việc Trung Quốc không mở cửa thị trường cho đối thủ cạnh tranh nước ngoài và trợ cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước. Các quan chức cấp cao của EU đang hối thúc các nhà lãnh đạo châu lục này hành động để bảo vệ giá trị và tiêu chuẩn của khối, với việc ký thông qua kế hoạch 10 điểm tại cuộc họp ở Brussels vào tuần tới.