Thông tin trái chiều về việc Mỹ hỗ trợ liên quân Arab tại Yemen

Mỹ có thể sẽ chấm dứt hoạt động tiếp nhiên liệu cho các máy bay của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, hiện đang tiến hành các cuộc không kích tại Yemen.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau vụ không kích của liên quân Saudi Arabia nhằm vào một kho vũ khí của phiến quân ở Sanaa, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông tin này được đăng tải trên tờ The Washington Post của Mỹ số ra ngày 9/11.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng đều từ chối bình luận về nội dung này. Phát biểu với báo giới cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Rebecca Rebarich cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục có các cuộc thảo luận với Saudi Arabia. Hiện chúng tôi chưa có gì để thông báo."

Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/11, hãng tin Saudi Press cho biết liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã chủ động đề nghị phía Mỹ ngừng việc tiếp nhiên liệu cho các máy bay của lực lượng này đang hoạt động trên không phận của Yemen.

Tuyên bố nhấn mạnh Saudi Arabia và các nước tham gia liên quân đã có thể chủ động tự cung cấp nhiên liệu cho các máy bay, do vậy sẽ tiến hành công việc này một cách độc lập và không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ.  

Trước đó 3 tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng cảnh báo Mỹ sẽ không ủng hộ liên quân Arab một cách "vô điều kiện", lưu ý rằng liên quân phải hạn chế tối đa thương vong trong dân thường tại Yemen. Hiện Lầu Năm Góc đang thực hiện tiếp nhiên liệu trên không cho khoảng 20% số máy bay của lực lượng Arab trên vùng trời Yemen. 

Cộng đồng quốc tế đang lên án kịch liệt các hoạt động quân sự của Saudi Arabia tại Yemen, đặc biệt là sau khi liên quân Arab tiến hành một loạt các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi, làm nhiều dân thường thiệt mạng, trong đó chủ yếu là trẻ em. 

Yemen là một trong những quốc gia Arab nghèo nhất, bị chiến tranh tàn phá nặng nề kể từ khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite chiếm giữ phần lớn đất nước, bao gồm cả thủ đô Sanaa vào năm 2014. Một năm sau đó, Saudi Arabia dẫn đầu liên minh quân sự các nước Arab can thiệp vào Yemen, ủng hộ chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Had được quốc tế công nhận nhưng phải lưu vong.

Xung đột đã khiến gần 10.000 người Yemen thiệt mạng, trong khi Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 7 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói và hơn 20.000 người tử vong do dịch tả.

Văn Khoa (TTXVN)
EU hỗ trợ Yemen đối phó với khủng hoảng nhân đạo
EU hỗ trợ Yemen đối phó với khủng hoảng nhân đạo

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn thông cáo chính thức của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định viện trợ thêm 90 triệu euro (tương đương 101,7 triệu USD) để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN