Tâm lý lo ngại sau khi Grab thâu tóm thị trường tại Đông Nam Á

Việc Uber chuyển giao mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, theo đó giảm áp lực cạnh tranh cho đối thủ lớn nhất của hãng tại thị trường 640 triệu dân này, đã tạo ra tâm lý lo ngại xen lẫn thất vọng cho cả tài xế và khách hàng sử dụng 2 dịch vụ xe đi chung dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh.

Biểu tượng lựa chọn Uber (trái) và Grab (giữa) trên điện thoại thông minh ở Singapore ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Các hãng kinh doanh dịch vụ xe đi chung trên toàn châu Á lâu nay phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và lợi nhuận giảm do phải dựa nhiều vào các chương trình giảm giá để lôi kéo khách, cũng như sức ép phải đưa ra các chính sách đãi ngộ tốt để "giữ chân" các tài xế.

Trong thông báo trên trang mạng chính thức, Grab cho rằng thỏa thuận chuyển nhượng với Uber sẽ khiến Grab trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ xe đi chung hiệu quả nhất ở thị trường Đông Nam Á, qua đó giúp tăng lợi nhuận của hãng trong mảng kinh doanh cốt lõi này. Grab cũng cho biết từ này các khách hàng có thể được hưởng dịch vụ tốt hơn với nhiều tài xế cũng như phương án di chuyển hơn trên cùng một ứng dụng, trong khi giá dịch vụ không tăng so với trước. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đối với tài xế lái Grab cũng không thay đổi.

Tuy nhiên, nhìn chung các tài xế và khách hàng của Grab và Uber đều cho rằng giá sử dụng dịch vụ sẽ tăng do sức ép cạnh tranh đối với Grab tại Đông Nam Á giảm. Ngoài ra, Grab cũng có thể sẽ đưa ra mức thu phí cao hơn hoặc cắt giảm các khoản hỗ trợ đối với tài xế. Điều đáng lo ngại nhất là từ nay các tài xế và cả khách hàng sẽ không có sự lựa chọn nào khác khi Grab gần như là hãng kinh doanh dịch vụ xe đi chung tiềm năng nhất tại thị trường Đông Nam Á.

Theo thỏa thuận đạt được ngày 26/3, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đổi lại công ty đặt trụ sở ở Mỹ này sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ 2 của Uber tại thị trường châu Á. Grab cho biết hãng này sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 nước Đông Nam Á mà Uber hiện diện, đồng thời sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.

Grab có trụ sở tại Singapore đã đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư nhiều tiền bạc vào phát triển thị trường tại các quốc gia láng giềng như Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam. Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế tại Đông Nam Á tham gia mạng lưới của Grab. Grab cũng được coi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại khu vực này.


Theo công ty phân tích dữ liệu di động App Annie, trong năm 2017, Grab đứng thứ 5 trong số các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người sử dụng dịch vụ hàng tháng ở Singapore , trong khi Uber đứng vị trí thứ 7.

Cạnh tranh giữa các ứng dụng kết nối vận tải tại Đông Nam Á đã nóng lên rất nhanh khi thị trường tiềm năng này được dự báo sẽ phát triển gấp 5 lần, lên mức 13,1 tỷ USD trong năm 2025. Mặc dù Uber vẫn là doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực này với sự hiện diện ở hơn 600 thành phố trên toàn thế giới, song hãng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi vướng phải hàng loạt bê bối và làn sóng phản đối của các hãng taxi truyền thống ở cả châu Á và châu Âu.

TTXVN/Báo Tin tức
Cục Cạnh tranh yêu cầu Grab cung cấp hợp đồng mua lại Uber Đông Nam Á
Cục Cạnh tranh yêu cầu Grab cung cấp hợp đồng mua lại Uber Đông Nam Á

Cuối ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi cung cấp thông tin về việc hãng này mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN