Nhà khí tượng học hàng đầu tại Viện khí tượng Hoàng gia Bỉ, David Dehenauw ngày 25/7 cho biết nhiệt độ lên tới 40,2 độ C đã được ghi nhận ngày 24/7 tại thành phố Liege, miền Đông nước này. Đây là mức nhiệt cao kỷ lục kể từ khi Bỉ bắt đầu ghi nhận nhiệt độ năm 1833.
Do nhiệt độ tăng mạnh, Viện Khí tượng Hoàng gia Bỉ đã ban hành "cảnh báo đỏ" đối với hầu hết các vùng ở nước này, ngoại trừ bờ biển North Sea, cho đến ngày 26/7. Tại thủ đô Brussels, Viện Khí tượng Hoàng gia Bỉ đã đo nhiệt độ giữa trưa ngày 25/7 là 34,2 độ và có thể vượt mức 35,7 độ C được ghi nhận một ngày trước đó.
Trong bối cảnh nắng nóng như thiêu đốt đang diễn ra ở khắp châu Âu cùng với thời tiết khô hanh kéo dài, nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã cắt giảm 8% sản lượng điện, tức khoảng 5,2 gigawatt (GW) điện.
Theo dữ liệu của nhà điều hành mạng lưới điện RTE của Pháp được công bố ngày 25/7, sản lượng điện đã bị cắt giảm tại 6 nhà máy điện hạt nhân vào lúc 0840 (GMT) tức 15h40' (giờ Việt Nam) ngày 25/7 trong khi hai lò phản ứng khác đóng cửa hoạt động. Nguyên nhân là do nhiệt độ tăng cao khiến nước sông không đủ mát để làm nguội các lò phản ứng.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực của Pháp EDF vận hành 58 lò phản ứng hạt nhân, thông báo sẽ giảm công suất phát điện tại một số nhà máy điện hạt nhân cho đến sau ngày 26/7 do lưu lượng nước sông Rhone chảy chậm và nước sông nóng lên do nhiệt độ tăng cao.
Theo người phát ngôn RTE, mặc dù nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh do thời tiết nắng nóng, song Pháp vẫn có đủ lượng điện để đáp ứng nhu cầu này. Dự báo trong đợt nắng nóng, nhiệt độ sẽ lên tới đỉnh điểm trong ngày 25/7 tại một vài thị trấn ở Pháp.
Trong khi đó, tại Đức, công ty PreussenElektra, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân thuộc Tập đoàn điện lực E.ON cho biết sẽ ngừng hoạt động của lò phản ứng Grohnde từ ngày 26 - 28/7 do nhiệt độ sông Weser tăng và sẽ điều chỉnh kế hoạch này dựa vào diễn biến thời tiết.