Giống nhiều người châu Á, người Myanmar rất thích nhai trầu, thậm chí “nghiện” nặng. Chỉ cần nhìn, bạn cũng có thể phát hiện ra một người “nghiện” nhai trầu. Khi họ cười, họ để lộ hàm răng đen xỉn và hơi đỏ. Giống như trà và cà phê, nhai trầu cũng mang lại cảm giác “thăng” và tỉnh táo cho người nhai. Chỉ khác một điều, nhai trầu còn có thể khiến họ mắc ung thư miệng.
Cười khoe hàm răng đỏ vì nghiện nhai trầu. |
Theo giáo sư Ying-chin Ko, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Kaohsiung ở Đài Loan (Trung Quốc) - người từng có những nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa trầu cau và ung thư miệng trong những năm 1990 - nhai một miếng thì được, nhưng mối nguy hiểm tăng lên khi bạn nhai miếng thứ hai. Và khi “nghiện” ở mức độ nào đó, người nhai trầu có thể bị ung thư.
Ước tính khoảng 600 triệu người trên thế giới có thói quen nhai trầu. Số người nhai trầu chỉ ít hơn số người hút thuốc, uống rượu và các đồ uống có caffein. Người nhai trầu chủ yếu ở châu Á và không chỉ giới hạn ở người lớn. Có thể nói người Myanmar “nghiện” nhai trầu nhất Đông Nam Á. Thị trường trầu cau ở Myanmar do đó cũng lớn nhất Đông Nam Á. Dọc các đường phố ở cố đô Yangon có hàng ngàn người bán trầu cau têm sẵn. Và một điều đáng lưu ý là phần lớn người bị ung thư miệng ở Myanmar đều là người nhai trầu.
Một miếng trầu thường gồm một vài miếng cau cắt nhỏ, gói trong lá trầu quết một lớp vôi trắng, rồi rắc thuốc lá lên. Ở nhiều nước châu Á khác nhau, người ta còn cho thêm ít bạch đậu khấu, ít nghệ tây và chất tạo ngọt.
Tục nhai trầu có lịch sử từ nhiều thế kỷ trước. Tục này lâu đời đến mức nó trở thành một phần quan trọng trong nghi thức văn hóa và tôn giáo. Ở một số vùng châu Á, trầu được dùng làm thảo dược chữa trị nhiều thứ, từ đau răng cho đến trứng cá.
Ở Myanmar, nhai trầu phổ biến với người lái xe vì họ thường nhai để tỉnh táo trên đường. U Sein, một tài xế taxi 37 tuổi, cho biết anh nhai 10 miếng trầu/ngày. Đối với anh, nhai trầu tốt hơn hút thuốc lá, ít nhất là vì nó rẻ hơn.
Một quầy têm trầu ở Yangon. |
Theo nghiên cứu khoa học, cho dù có nhai kèm với thuốc lá hay không thì trầu cau vẫn làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Trong nước bọt của người nhai trầu, người ta tìm thấy chất gây ung thư. Theo giáo sư Ying-chin Ko, lá trầu không gây ung thư, vôi cũng không nhưng nó có thể kích thích giải phóng chất gây ung thư. Đó chính là mối nguy hiểm ẩn mình.
Nhiều nước đã phát động những chiến dịch nâng cao ý thức người dân về sự nguy hiểm của thói quen nhai trầu, nhưng những nỗ lực này dường như “muối bỏ bể” vì không dễ thuyết phục người “nghiện” nhai trầu từ bỏ thói quen. Ở Đài Loan, người dân biết về nguy cơ nhưng không mấy người bỏ được trầu. Papua New Guinea gần đây cũng cấm bán và nhai trầu ở thủ đô Port Moresby nhưng mục đích chính chỉ là ngăn chặn người nhai trầu nhổ bừa bãi trên phố. Còn ở Myanmar, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đã bắt đầu tìm cách nâng cao ý thức của người dân về nguy cơ từ nhai trầu.
Bất chấp nguy cơ hiển hiện, nhiều người, trong đó có anh Myo Min Than, làm nghề bán phở ở Myanmar, vẫn không có ý định cai nghiện trầu. Than cho biết anh cần nhai 10 miếng mỗi ngày để tỉnh táo khi bán hàng ban đêm ở chợ. Anh thường đi lấy hàng từ lúc 3 giờ sáng và bán hàng xong lúc 8 giờ tối. Anh nói: “Tôi làm việc cả ngày, một ngày rất dài. Tôi nhai trầu vì tôi không muốn ngủ gật”.
Thùy Dương