Nguy cơ khủng hoảng lương hưu toàn cầu (Tiếp theo và hết)

3 yếu tố dẫn đến khủng hoảng lương hưu


Cuộc khủng hoảng hưu trí toàn cầu xuất hiện do 3 yếu tố. Một là, nhiều nước đang cắt giảm lương hưu và nâng độ tuổi nghỉ hưu. Những nước này đang ngập trong nợ nần sau một thập kỷ bội chi và có mức thâm hụt ngân sách rất lớn từ khi cuộc suy thoái kinh tế nổ ra. Hai là, nhiều công ty đã loại bỏ kế hoạch lương hưu truyền thống, trong đó người lao động không chịu bất cứ chi phí gì và được đảm bảo một khoản thu nhập hàng tháng khi về hưu. Ba là, người lao động chi tiêu một cách tự do và không dành dụm tiền trước thời điểm suy thoái kinh tế, do vậy tài sản của họ đã biến mất khi suy thoái kinh tế diễn ra.

 

Người về hưu tại Mỹ.


Ngay trong những năm 2000, nhiều chính phủ và công ty nhìn vào bảng thống kê bảo hiểm cũng như tỷ lệ sinh đẻ và thấy rằng họ không đủ khả năng chi trả lương hưu như đã cam kết. OECD cho biết độ tuổi nghỉ hưu trung bình phải tăng lên mức 66 - 67 tuổi từ mức 63 tuổi hiện nay mới có thể "kiểm soát chi phí lương hưu" khi tuổi thọ trung bình cao hơn. Tỷ lệ sinh giảm và sự gia tăng số người nghỉ hưu tại các nước phát triển khiến cho vấn đề lương hưu trở nên trầm trọng hơn.


Ở Trung Quốc, năm 2010, số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 11% tổng số người trong độ tuổi lao động, và sẽ tăng lên 42% vào năm 2050. Tại Mỹ, tỷ lệ này sẽ tăng từ 20% lên 35%.


Giải pháp của chính phủ


Để đối phó với tình trạng này, chính phủ các nước đã tăng tuổi nghỉ hưu và cắt giảm phúc lợi. Tại 30 quốc gia OECD, độ tuổi trung bình mà người lao động được hưởng đầy đủ lương hưu sẽ tăng lên 64,6 tuổi trong năm 2050, từ mức 62,9 tuổi trong năm 2010 với nam, và sẽ tăng lên 64,4 tuổi từ mức 61,8 tuổi đối với nữ. Italy đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 59 tuổi lên 65 tuổi.


Ngay cả Pháp, nơi từ lâu có mức lương hưu cao, đã từng bước cải cách lương hưu để giảm chi phí. Pháp đã nâng độ tuổi nghỉ hưu để có thể nhận được đầy đủ tiền trợ cấp từ 61,5 tuổi lên 63 tuổi. Cải cách lương hưu nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm tới.


Một số quốc gia đang cố gắng để buộc người lao động phải tiết kiệm nhiều hơn cho việc nghỉ hưu. Australia là nước áp dụng biện pháp này sớm nhất và mạnh mẽ nhất. Quốc gia này đã thông qua một đạo luật vào năm 1993 quy định việc tiết kiệm hưu trí là bắt buộc. Bên sử dụng lao động phải đóng góp 9,25% tiền lương của người lao động vào tài khoản hưu trí. Người lao động không được rút tiền trong tài khoản hưu trí trước khi nghỉ hưu. Trong khi các chính trị gia đang tranh luận về kế hoạch này, chỉ có khoảng một nửa người dân Australia ủng hộ.


Trong tháng 10/2012, Anh yêu cầu các công ty phải đăng ký kế hoạch hưu trí cho hầu hết các nhân viên. Khoản đóng góp ban đầu bằng ít nhất 2% thu nhập của người lao động, một nửa chi phí do công ty chịu. Vào năm 2018, khoản đóng góp tăng lên 8%, trong đó bên sử dụng lao động đóng góp 3%.
Chỉ khoảng 1/2 người lao động Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch tiết kiệm khi nghỉ hưu.


Các chuyên gia cho rằng kế hoạch lương hưu của chính phủ sẽ tiếp tục thay đổi và độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của người lao động. Các chính phủ có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn cho những người cao tuổi có thu nhập thấp, có nguy cơ không thể sống bằng tiền tiết kiệm của mình.


"Cha mẹ tôi đã nghỉ hưu trong thời kỳ hoàng kim. Bố tôi hiện đã 72 tuổi và ông nghỉ hưu ở tuổi 57, nhưng điều đó sẽ không xảy ra với bất kỳ ai trong thế hệ của chúng tôi”, Mercer, 37 tuổi, làm việc tại Công ty tư vấn Dreger, nói.


CT(theo AP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN