Khôi phục niềm tin và hợp tác được đánh giá là thiết thực và cần thiết trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong vài thập niên qua, với hàng loạt thách thức từ khủng hoảng khí hậu, căng thẳng kinh tế toàn cầu tới bất ổn an ninh ở nhiều nơi.
Trước quan ngại của đa số đại biểu về tình trạng phân mảnh toàn cầu, trong diễn văn bế mạc, Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh vai trò của diễn đàn trong việc khơi dậy “tinh thần đoàn kết” trên toàn cầu, đồng thời khẳng định hợp tác có thể đem lại những kết quả tích cực và có ý nghĩa. Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch Điều hành WEF, cũng cho rằng thế giới cần phải “xây dựng lại sự tin tưởng” và sự tin tưởng này phải được thể hiện trong hành động thực chất.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo WEF và các đại biểu tham dự Davos đưa ra thông điệp về tăng cường hợp tác toàn cầu. Nhìn lại cách đây một năm, “hợp tác trong một thế giới phân mảnh” đã là chủ đề bao trùm hội nghị Davos 2023 và là chất liệu tạo nên những đề xuất, sáng kiến thúc đẩy hợp tác toàn cầu đưa ra tại hội nghị. Năm nay, hành động phối hợp tập thể càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh thế giới vẫn đang chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra cùng một lúc. Nền kinh tế thế giới đang chứng kiến những “bất thường” mới kể từ cuối năm 2023, chẳng hạn như tiêu dùng - vốn là động lực của tăng trưởng - đã có phần suy giảm so với trước đây. Một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế hàng đầu cho thấy kinh tế toàn cầu đối mặt với một năm 2024 bất ổn, lạm phát leo thang và tăng trưởng bị kìm hãm xuất phát từ căng thẳng địa chính trị, các điều kiện tài chính thắt chặt và tác động gây lo ngại của AI. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo sự phân mảnh của nền kinh tế thế giới, thể hiện ở các chiến lược “giảm thiểu rủi ro” riêng rẽ của các quốc gia, có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu giảm 4,5%.
Trong khi đó, IMF cảnh báo sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới, làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và có khả năng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và người lao động trong các quốc gia. Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh gia tăng lo ngại về đối đầu kinh tế-chính trị, công nghệ AI và các cuộc xung đột tiếp diễn, xu hướng phân mảnh và phân cực đang dần thế chỗ xu hướng toàn cầu hóa, gây ra sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh đó, hội nghị Davos năm nay được xem là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và các mối quan hệ đối tác hướng đến hành động. Theo giới chuyên gia, lời kêu gọi “xây dựng lại niềm tin” phản ánh nhận thức chung của các lãnh đạo quốc gia, các nhà tài chính và giám đốc điều hành doanh nghiệp rằng đang có sự xói mòn lòng tin trên toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Do đó, giải pháp tốt nhất là các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cùng phối hợp với nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực AI, các chính khách, chuyên gia công nghệ và đại diện các doanh nghiệp tại Diễn đàn Davos nhất trí rằng cách duy nhất để khai thác được lợi thế của AI trong khi giảm thiểu rủi ro từ công nghệ này là đưa ra các chính sách quản lý hiệu quả và thống nhất trên toàn cầu. Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, ở cấp độ quốc tế, các nước giàu có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, giúp các nước đang phát triển thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại Phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu”, trong đó Thủ tướng đề cao vai trò của đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Như nhận định của ông Roger Köppel - Tổng biên tập tờ Die Weltwoche, Việt Nam nên tận dụng những nền tảng thúc đẩy hợp tác đa phương như hội nghị tại Davos để cho thế giới thấy các thành tựu mà Đảng cùng Chính phủ làm được trong những năm qua, bởi Việt Nam "là hình mẫu của hợp tác và duy trì cân bằng". Chủ tịch sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab, đánh giá Việt Nam không chỉ là một ngôi sao ở khu vực Đông Á, mà còn đang trong quá trình vươn lên trở thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới; cho rằng Việt Nam thực sự trở thành một trong những quốc gia tiên phong về phát triển nền kinh tế xanh và thông minh.
Theo WEF, việc xây dựng lại niềm tin cần thực hiện ở 3 cấp độ cơ bản: niềm tin vào tương lai; niềm tin trong các xã hội và niềm tin giữa các quốc gia. Việc khôi phục được niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh và những nguồn lực quan trọng để thúc đẩy đối thoại, từ đó tìm kiếm các giải pháp chung cho những vấn đề toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, trong bài phát biểu đặc biệt tại WEF Davos 2024, đã khẳng định “Việc xây dựng lại niềm tin sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng đó là điều cần thiết và có thể thực hiện được”.