Mì ăn liền - Dấu hiệu phản ánh sức khỏe kinh tế toàn cầu?

Nhờ giá rẻ, ngon và dễ chế biến, mì ăn liền đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều người. Đáng chú ý, một cây bút của tờ Financial Times cho rằng mì ăn liền còn có thể phản ánh được tình trạng kinh tế toàn cầu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Flickr

Mì ăn liền là một trong những vũ khí mạnh nhất từng được phát minh trong cuộc chiến không ngừng nghỉ chống nạn đói. Chúng là kho dự trữ dinh dưỡng linh hoạt và lâu dài trong những thời điểm cấp bách.

Mì ăn liền ra đời tại Nhật Bản trong giai đoạn cuối những năm 1950, khi người dân nước này gặp nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh. Món ăn này chóng thịnh hành nhờ giá rẻ, chế biến nhanh gọn mà vẫn ngon miệng.

Tuy nhiên, chính vì những đặc điểm này, nhu cầu tăng đối với mì ăn liền có thể giống như dấu hiệu cảnh báo về kinh tế và xã hội, đặc biệt là ở các nước phát triển, rằng có vấn đề bất thường hoặc căng thẳng nghiêm trọng.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, vào năm 2022, tổng cộng kỷ lục 121 tỷ gói mì ăn liền đã được bán trên toàn thế giới, tăng khoảng 17% so với năm 2018. Ở các quốc gia như Nigeria, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ, mức tăng này còn đáng kể hơn nhiều, từ 53% đến 425%. Cây bút Leo Lewis của Financial Times đánh giá những số liệu này cho thấy mì ăn liền đang cung cấp lượng calo giá cả phải chăng cho người dân trong bối cảnh lạm phát.

Đại dịch COVID-19, cùng với giãn cách xã hội, gián đoạn nguồn cung thực phẩm là một trong những yếu tố thúc đẩy mức tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2021 của mì ăn liền. Nhưng mức tiêu thụ mì ăn liền vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hậu COVID-19. Một ví dụ là tại Mexico, nhu cầu tăng vọt 17,2% vào năm 2021 khi nhiều người chuyển sang mì ăn liền trong thời gian dịch COVID-19. Nhưng đến năm 2022, nhu cầu tại Mexico vẫn tăng đến 11%.

Tuy nhiên, dấu hiệu cảnh báo bắt nguồn từ người tiêu dùng ở các nước phát triển. Tính đến cuối năm 2022, mức tiêu thụ mì ăn liền ở cả Mỹ và Anh đều tăng 14% trong vòng 5 năm gần đó. Các hộ gia đình ở Mỹ ngày càng trở nên nhạy cảm với giá lương thực tăng và trong một số trường hợp, họ còn dựa vào mì ăn liền để giải quyết tình trạng thiếu hụt calo.

Nhật Bản, sau khi bước vào lạm phát sau nhiều thập niên giảm phát, giờ đây tiêu thụ nhiều mì ăn liền hơn so với năm 2018.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNA)
Thái Lan tăng cường kiểm tra an toàn đối với mì ăn liền nhập khẩu
Thái Lan tăng cường kiểm tra an toàn đối với mì ăn liền nhập khẩu

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 28/11 cho biết Cục Khoa học Y tế đã phát triển thành công kỹ thuật phát hiện chất oxit ethylene trong các sản phẩm thực phẩm, đồng thời kêu gọi các nhà nhập khẩu mì ăn liền kiểm tra sản phẩm xem có dư lượng ethylene oxit hay không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN