Người dân "xứ vạn đảo" kỳ vọng vào một kỷ nguyên năng động hơn của đất nước dưới sự lãnh đạo của chính khách có bề dày trong quân ngũ 28 năm, đảm nhận vai trò Bộ trưởng Quốc phòng và có thời gian thử sức trên thương trường.
Con đường đến với đỉnh cao quyền lực của ông Prabowo đầy kịch tính và khó khăn, kéo dài suốt 10 năm với 3 lần ra tranh cử. Ông từng là đối thủ của người tiền nhiệm Tổng thống Joko Widodo trong 2 nhiệm kỳ và đã lựa chọn liên danh tranh cử với Gibran Rakabuming Raka - con trai của tổng thống vừa mãn nhiệm Joko. Đây được coi là một chiến lược đầy gai góc và đánh đổi của ông Prabowo để giành được những lợi thế. Điều đó đã mang lại cho ông cả thuận lợi và chỉ trích. Thực tế là sự kết hợp này đã giúp ông có được lá phiếu của những người ủng hộ ông Joko, nhưng cũng gây ra những lo ngại về yếu tố “quyền lực gia đình”.
Tổng thống Prabowo nhậm chức trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với những khó khăn do bất ổn toàn cầu, nhiều quốc gia đã rơi vào suy thoái, trong đó có cả các nước phát triển. Những bất ổn cũng liên quan đến địa chính trị, mối đe dọa của biến đổi khí hậu… đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Ở trong nước, tình trạng lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao dẫn đến các cuộc đình công, biểu tình của một bộ phận công chức, dân chúng, với các yêu sách tăng lương và cải thiện phúc lợi. Do vậy, nhiệm vụ trước mắt của ông là duy trì sự ổn định chính trị và kinh tế, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Trong hành trình này, ông cũng có nhiều thuận lợi, đó là sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri và kinh nghiệm lãnh đạo trong quân đội cũng như bề dày tham gia chính trường.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Prabowo đã đề xuất nhiều chương trình lớn nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Indonesia. Đây cũng là những chương trình giúp ông có được số lượng lớn cử tri ủng hộ. Những cam kết này bao gồm 17 chương trình ưu tiên và 8 chương trình hành động nhanh, tập trung vào các lĩnh vực: cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển các khu vực nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong nước; tăng cường sức mạnh quốc phòng, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số chương trình cụ thể đáng chú ý như: Tự cung tự cấp về lương thực, năng lượng và nước; Xóa đói giảm nghèo; Cải thiện hệ thống doanh thu của nhà nước; Cải cách pháp lý và hành chính; Phòng ngừa và xóa bỏ tham nhũng; Tiếp tục hạ nguồn và công nghiệp hóa dựa trên tài nguyên thiên nhiên; Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và tiếp tục phát triển thủ đô Nusantara; Đảm bảo sự hòa hợp tôn giáo; tăng cường quốc phòng và quan hệ quốc tế…
Một trong những chương trình nổi bật ông Prabowo đưa ra, thu hút sự quan tâm hàng đầu của người dân, là cung cấp bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho học sinh và phụ nữ mang thai, nhằm giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Indonesia. Tuy nhiên, chương trình cũng đối mặt với thách thức về ngân sách và logistics.
Về đối ngoại, tổng thống thứ tám của Indonesia cam kết duy trì chính sách đối ngoại trung lập , không liên kết với bất kỳ khối quyền lực lớn nào, đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ông Prabowo được dự đoán sẽ chủ động và thực dụng hơn trong hoạt động ngoại giao để theo đuổi lợi ích của đất nước.
Ông Beni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi), phân tích nguyên tắc chính sách đối ngoại của Indonesia là độc lập và chủ động và nước này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về cách thiết lập mối quan hệ với đối tác cụ thể. Việc cân bằng quan hệ với các nước lớn trong mối tương quan phức tạp địa chính trị, vẫn đang là vấn đề đặt ra cho Indonesia. ASEAN là một trọng tâm, nhưng ngoài ASEAN, Indonesia cũng cần duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Mỹ và các các cường quốc khu vực khác, như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Có thể thấy xu hướng chính phủ của Tổng thống Prabowo sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với tất cả các quốc gia lớn và thiết lập các mối quan hệ trong khu vực ASEAN một cách hiệu quả trong hợp tác kinh tế và an ninh. Các nhà quan sát cho rằng những chuyến công du nước ngoài của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng đồng thời là Tổng thống đắc cử, khi Indonesia vẫn đang trong quá trình cân bằng với chính sách không liên kết, là động thái đáng quan tâm. Chỉ trong 5 tháng kể từ cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/2, ông Prabowo đã thực hiện hơn 10 chuyến thăm nước ngoài đến các khu vực trên toàn cầu, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia ở châu Á, Trung Đông và châu Âu. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với các nước trong khu vực Nam Á và châu Phi.
Ông Prabowo đã hành động khác với truyền thống ngoại giao trong ASEAN khi đi thăm các nước láng giềng trước thời điểm nhậm chức, được cho là nhằm gửi thông điệp tới các nước thành viên rằng Đông Nam Á sẽ vẫn là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới trong 5 năm tới. Ngoài ra, các chuyến đi cho thấy ông Prabowo mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế, an ninh và văn hóa với các quốc gia mà ông đến thăm, dù tất cả đều có sự khác biệt đáng kể về liên minh địa chính trị. Đây được coi là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Jakarta có thể sẽ có cách tiếp cận táo bạo hơn đối với chính sách đối ngoại độc lập và chủ động sau một thập niên dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joko Widodo.
Vẫn còn có những nhận định khác nhau về việc liệu nhiệm kỳ tổng thống của ông Prabowo có chứng kiến nhiều khác biệt trong liên kết chính trị của Indonesia hay không. Một số nhà phân tích dự đoán ông Prabowo sẽ có cách tiếp cận xa rời phương Tây hơn, trong khi những người khác lại cho rằng ông sẽ có cách tiếp cận thực dụng.
Trên thực tế, tình hình hiện tại của Indonesia là một bức tranh khá phức tạp với nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng. Cái khó của ông Prabowo là cân bằng giữa việc tiếp tục di sản của ông Jokowi và chứng minh được cách tiếp cận độc lập và có tầm nhìn, có thể sẽ báo hiệu một Indonesia năng động hơn trên trường quốc tế.