Ngay sau khi Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano ngày 13/11 đã tiến hành tham vấn với các đảng phái chính trị để nhất trí về người kế nhiệm ông Berlusconi, tiến tới thành lập một chính phủ lâm thời với nhiệm vụ nặng nề là xử lý cuộc khủng hoảng nợ công đang đẩy Italia đến bờ vực vỡ nợ.
Thông tin Thủ tướng Berlusconi từ chức thống lĩnh trang nhất các báo ra ngày 13/11 ở Italia. |
Cuộc tham vấn với lãnh đạo hai viện quốc hội Italia kéo dài từ 15 giờ đến 24 giờ ngày 13/11 (giờ Việt Nam). Sau khi chỉ định được thủ tướng mới, Tổng thống Napolitano sẽ đề nghị thủ tướng nhanh chóng thành lập chính phủ lâm thời trước khi các thị trường tài chính mở cửa phiên 14/11.
Ông Mario Monti, cựu ủy viên Ủy ban châu Âu (EC), có nhiều khả năng sẽ trở thành người kế nhiệm ông Berlusconi. Các đảng đối lập đã nhất trí ủng hộ ông Monti trong khi đảng của ông Berlusconi cũng chấp nhận để ông Monti làm thủ tướng kèm theo một số điều kiện. Trước đó, khi ông Berlusconi chưa từ chức, ông Monti đã tiếp xúc với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và các chính khách thuộc nhiều đảng phái để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực.
Rạng sáng cùng ngày (giờ VN), ông Berlusconi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Napolitano và được Tổng thống chấp nhận.
Trước đó, Hạ viện Italia (gồm 630 ghế) đã chính thức thông qua Dự luật ổn định tài chính, trong đó có một loạt biện pháp cải cách kinh tế mà chính phủ của ông Berlusconi đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước. Ngày 11/11, Thượng viện Italia cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ 156 phiếu thuận và 12 phiếu chống. Ông Berlusconi hôm 8/11 đã tuyên bố sẽ từ chức sau khi Quốc hội Italia thông qua dự luật trên.
Đối mặt với “núi” nợ công 2.600 tỷ USD, tương đương 120% GDP, chính phủ mới của Italia sẽ phải đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp cải cách, thắt lưng buộc bụng.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc giải cứu nền kinh tế Italia khó khăn hơn nhiều so với Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha là những quốc gia cũng có nguy cơ bị vỡ nợ. Với mức nợ công lớn gấp đôi tổng nợ công của 3 nước trên cộng lại, Italia vỡ nợ có thể làm Khu vực sử dụng đồng euro sụp đổ, giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế EU và Mỹ trong lúc hai nền kinh tế này đang chật vật tìm cách thoát khỏi suy thoái.
Thùy Dương