Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án Xyri vi phạm nhân quyền

Ngày 23/11, Ủy ban Thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) - một ủy ban phụ trách vấn đề nhân quyền của LHQ, đã thông qua một nghị quyết lên án Xyri vi phạm nhân quyền.

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thứ ba Đại hội đồng LHQ.


Theo Tân Hoa xã, nghị quyết không mang tính ràng buộc này - do Anh, Pháp và Đức bảo trợ - đã được thông qua với 122 phiếu thuận, 13 phiếu chống và 41 phiếu trắng. Nghị quyết kêu gọi chính quyền Xyri thực thi kế hoạch hòa bình của Liên đoàn Arập (AL), trong đó có việc rút các xe tăng của chính phủ khỏi các đường phố, trả tự do cho các tù nhân chính trị, chấm dứt hành động tấn công vào dân thường và cho phép quan sát viên quốc tế tới nước này.

Đamát đã ngay lập tức chỉ trích nghị quyết này. Đại sứ của Xyri tại LHQ, ông Bashar Ja'afari, cho rằng nghị quyết "sẽ không có ích gì" đối với Xyri. Ông Ja'afari đồng thời cáo buộc đây là động thái chính trị do Mỹ đứng đầu. Trong khi đó, Trung Quốc coi nghị quyết của Ủy ban nhân quyền LHQ là “phản tác dụng”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vệ Dân cho biết, “Sử dụng một nghị quyết để gây sức ép với các nước khác là phản tác dụng nếu muốn làm dịu tình hình. Chúng tôi luôn tin rằng hợp tác và đối thoại mang tính xây dựng là cách duy nhất để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”.

Cộng đồng quốc tế hiện đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Xyri. Nhật báo "Al Rai" của Côoét dẫn các nguồn tin cấp cao châu Âu cho biết, máy bay chiến đấu của các nước Arập và có thể của cả Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Mỹ, sẽ thiết lập một vùng cấm bay trên bầu trời Xyri, sau khi AL ra quyết định kêu gọi bảo vệ thường dân Xyri theo hiến chương của tổ chức này. Quyết định thiết lập vùng cấm bay sẽ bao gồm cấm hoạt động của các xe cơ giới quân sự Xyri, trong đó có xe tăng, xe chở lính và pháo binh, nhằm hạn chế hoạt động của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Xyri Bashar al-Assad và làm tê liệt khả năng những lực lượng này bắn phá các thành phố. Các nguồn tin trên cho rằng lệnh cấm bay có thể sẽ khiến các lực lượng chính quyền Xyri bị tê liệt "trong vòng chưa đầy 24 giờ". Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ thông tin sẽ tiến hành tấn công vào lãnh thổ Xyri, trong đó có khu vực sát biên giới nước này, để thiết lập "vùng đệm" nhằm bảo vệ người dân lánh nạn.

Trong khi đó, Xyri cho biết Nga đã điều tàu chiến đến vùng biển nước này để ngăn chặn các cuộc can thiệp quân sự chống chính quyền Đamát. Theo báo chí Xyri, 3 tàu chiến của Nga đã vào hải phận nước này, ở bên ngoài cảng Tartus. Những tàu này sẽ không đậu ở cảng của Xyri mà hoạt động dọc theo bờ biển nước này để chống lại bất kỳ cuộc can thiệp nào của nước ngoài vào bất ổn ở Xyri. Theo các nguồn tin Arập, ít nhất hai tàu trong nhóm này được trang bị để thu thập tin tức tình báo và chiến tranh điện tử.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 21/11 cho rằng việc phương Tây kêu gọi phe đối lập tại Xyri không chấp nhận đối thoại với chính quyền của Tổng thống Assad là hành động khiêu khích chính trị có quy mô quốc tế. Theo ông Lavrov, lời kêu gọi của phương Tây là hành động đi ngược lại sáng kiến chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại của AL đưa ra. Hành động này có thể gây ra sự bất ổn tại nhiều quốc gia Arập, bởi nó tạo ra "sự cám dỗ" đối với nhiều giới khác nhau ở các nước láng giềng Xyri rằng họ cũng có thể tạo ra tình huống tương tự ở đất nước của mình để đạt được mục đích riêng.

H.H (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN