Việc Trung Quốc phê duyệt dự án xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới tại sông Yarlung Tsangpo, được gọi là sông Brahmaputra ở Ấn Độ và Jamuna ở Bangladesh, đã gây chấn động trong lĩnh vực hạ tầng thủy điện toàn cầu.
Được thiết kế để khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo, dự án Đập Medog không chỉ góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon của Trung Quốc mà còn tái định hình địa chính trị tài nguyên nước tại Nam Á. Tuy nhiên, dự án cũng đặt ra những thách thức lớn đối với sự ổn định khu vực và hợp tác xuyên biên giới.
Đập Medog: Một công trình vĩ đại
Đập Medog tọa lạc trên cao nguyên Tây Tạng hẻo lánh, nơi sông Yarlung Tsangpo đổ xuống qua hẻm núi sâu nhất thế giới. Dự án này sẽ sản xuất 300 tỷ kilowatt mỗi năm, gấp ba lần công suất của đập Tam Hiệp, hiện là đập lớn nhất thế giới. Với chi phí vượt 137 tỷ USD, đây là công trình hạ tầng có chi phí tốn kém nhất toàn cầu, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc đối với năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, vị trí của đập tại khúc quanh lớn của sông, nơi có độ dốc tự nhiên hơn 2.000 m trong một khoảng cách ngắn, mang lại tiềm năng khai thác năng lượng chưa từng có. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giảm phụ thuộc vào than đá và thúc đẩy Trung Quốc đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Dự án Đập Medog mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Nguồn điện khổng lồ từ con đập sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra hàng ngàn việc làm tại khu vực Tây Tạng. Ngoài ra, việc điều tiết dòng chảy có thể giảm thiểu lũ lụt tại hạ lưu, một vấn đề thường xuyên đe dọa hàng triệu người.
Tuy nhiên, dự án cũng khiến các quốc gia hạ nguồn như Ấn Độ và Bangladesh lo ngại. Việc Trung Quốc kiểm soát dòng chảy sông Brahmaputra có thể ảnh hưởng đến nguồn nước của các quốc gia này, vốn phụ thuộc vào sông cho nông nghiệp, nước sinh hoạt và năng lượng. Thêm vào đó, công trình nằm trong vùng địa chấn cao, tiềm ẩn nguy cơ thảm họa nghiêm trọng nếu xảy ra sự cố.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã chuyển những lo ngại của mình tới Bắc Kinh, thúc giục Trung Quốc đảm bảo rằng lợi ích của các quốc gia hạ lưu không bị tổn hại.
Ấn Độ và bài toán hợp tác khu vực
Trước dự án Đập Medog, Ấn Độ đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ lợi ích nước của mình và các quốc gia láng giềng. Để giảm thiểu rủi ro, Ấn Độ cần xây dựng một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ trong lưu vực sông Hằng-Brahmaputra-Meghna (GBM).
Việc này đòi hỏi sự đồng thuận từ Bangladesh, Bhutan và Nepal, nhằm đưa ra một tiếng nói chung khi đàm phán với Trung Quốc.
Các quốc gia trong lưu vực GBM cần ưu tiên chia sẻ dữ liệu thủy văn, thiết lập cơ chế giám sát chung và triển khai các sáng kiến quản lý nước bền vững. Những hành động này không chỉ giúp xây dựng lòng tin mà còn tăng cường sức mạnh đàm phán tập thể trước Trung Quốc.
Đập Medog là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Với Ấn Độ, đây là cơ hội để lãnh đạo các sáng kiến khu vực, tập trung vào hợp tác quản lý nước và giảm thiểu rủi ro từ các dự án của Trung Quốc.
Các sáng kiến như dự báo lũ lụt chung, thực hành tưới tiêu bền vững và đầu tư hạ tầng nước có thể mang lại lợi ích kinh tế và sinh thái to lớn.
Một báo cáo năm 2022 của Oxfam cho thấy, hợp tác tốt hơn trong lưu vực GBM có thể tiết kiệm ít nhất 14,2 tỷ USD mỗi năm thông qua quản lý lũ lụt, tăng hiệu quả nông nghiệp và cải thiện khả năng chống chịu thiên tai.
Đồng thời, Ấn Độ cần thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc, đề xuất thỏa thuận chia sẻ dữ liệu dưới khuôn khổ quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Nước. Dù Trung Quốc chưa ký kết công ước này, việc nhấn mạnh các nguyên tắc quốc tế có thể củng cố vị thế ngoại giao của Ấn Độ.