7 'ông lớn' công nghệ Mỹ bỏ túi 3,4 ngàn tỷ USD vốn hoá trong năm 2020

7 công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ đã tăng trưởng tổng cộng 3,4 ngàn tỷ USD giá trị vốn hoá trong năm 2020 khi cả thế giới vật lộn chống chọi với đại dịch và khủng hoảng kinh tế. 

Chú thích ảnh
Công ty sản xuất ô tô điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đại thắng trong năm COVID-19.

Apple liên tục đón thông tin lạc quan về doanh số bán iPhone; sản phẩm hợp tác Teams của Microsoft phát triển tốt; sự kiểm soát liên tục của Amazon với thương mại điện tử và sức mạnh độc quyền quảng cáo trực tuyến của Google, Facebook. Tất cả những thắng lợi đó khiến “Big Tech” (nhóm "ông lớn" công nghệ Mỹ) không bị kìm hãm bởi đại dịch COVID cũng như những cuộc điều tra về quyền lực thống trị của họ.

Có thể nói Tesla là sự ngạc nhiên lớn nhất của 2020. Cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện Mỹ đã tăng gấp gần 9 lần trong năm 2020, nâng giá trị vốn hoá thị trường của Tesla từ 76 tỷ USD vào đầu năm lên 669 tỷ USD khi thị trường đóng cửa giao dịch hôm 31/12/2020. Bất chấp việc các nhà máy ban đầu phải đóng cửa do đại dịch, Tesla đã trở lại mạnh mẽ, cung cấp số lượng xe kỷ lục bán ra trong quý III/2020.

Trong tháng 12 vừa qua, Tesla đã gia nhập nhóm Chỉ số S&P500, quy tụ 500 công ty lớn nhất đang giao dịch công khai tại Mỹ và là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất thế giới.

Trong khi đó, nhà sản xuất chip Nvidia cũng tăng hơn gấp đôi giá trị vốn hoá trong năm 2020, đóng cửa ngày 31/12 với giá trị vốn hóa thị trường là 323 tỷ USD, trở thành công ty công nghệ lớn thứ bảy và công ty lớn thứ 16 tại Mỹ. Bộ xử lý đồ hoạ của Nvidia dành cho chơi game được bán quá chạy đến mức công ty đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. 

Các sản phẩm vi xử lý của Nvidia cũng có sức hút lớn trong các trung tâm dữ liệu, nơi khối lượng công việc lớn đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh hơn.

Trong tháng 9/2020, Nvidia đã đồng ý mua nhà sản xuất chip điện thoại di động Arm Holdings từ SoftBank với giá 40 tỷ USD, thương vụ lớn thứ hai của một công ty công nghệ Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Trung Quốc vẫn có thể cản trở thương vụ này.

Nhưng trong năm 2020, mức tăng giá trị vốn hóa lớn nhất vẫn thuộc về Apple, với gần 1 nghìn tỷ USD, nhờ cổ phiếu tăng tới 81%. 

Chú thích ảnh
Apple Pencil (Bút chì Apple) được sử dụng trên iPad Pro. Ảnh: Reuters 

Người khổng lồ thương mại điện tử Amazon, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng và điện toán đám mây, đã tăng giá trị vốn hoá thêm 710 tỷ USD. Microsoft thu về 480 tỷ USD, trong khi Alphabet đạt 268 tỷ USD và Facebook tăng thêm 193 tỷ USD.

Những thắng lợi đó cũng được phản ánh rõ ràng trong nhóm những người giàu nhất. Jeff Bezos của Amazon là người giàu nhất thế giới, tiếp theo là Elon Musk của Tesla và người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đứng thứ năm. Cũng nằm trong top 10 còn có hai nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin và cựu Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNBC)
Eric Yuan – Từ kỹ sư Trung Quốc vô danh đến tỷ phú công nghệ Mỹ
Eric Yuan – Từ kỹ sư Trung Quốc vô danh đến tỷ phú công nghệ Mỹ

Từ một kỹ sư lập trình không tên tuổi ở Trung Quốc, Eric Yuan tới Mỹ, kiên trì đi con đường của mình dù phải cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ, để tạo lập nên Zoom, ứng dụng đình đám nhất trong năm đại dịch này. Yuan trở thành một trong 100 tỷ phú giàu nhất thế giới và được tạp chí Times bình chọn là Doanh nhân của năm 2020. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN