Giữa những biến động mạnh của thị trường tài chính toàn cầu, động thái này được giới phân tích cũng như doanh nghiệp đánh giá rất cao, kỳ vọng sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất mới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tín hiệu tích cực cho thị trường
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành đối với tổ chức tín dụng đã đưa ra tín hiệu rõ ràng về điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh dự báo xu hướng lãi suất trong thời gian tới, với đánh giá tích cực hơn, củng cố và tạo niềm tin cho thị trường.
Một trong những tác động rõ ràng nhất của sự kiện nay, đó là việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm chi phí vay từ Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng và luân chuyển vốn của các ngân hàng thương mại cũng như tác động tích cực đến thị trường một theo hướng tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động.
"Diễn biến này sẽ mang lại hiệu ứng chung đối với thị trường và đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và tiếp tục phục hồi tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND mang lại kết quả và hiệu ứng ngay, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên thông qua việc chi phí vay vốn giảm, hoạt động hiệu quả hơn. Qua đó giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn, nhất là với những nhóm ngành vốn là động lực tăng trưởng kinh tế.
Ngoài việc điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp; cho vay bình ổn thị trường…
"Nếu tổ chức thực hiện tốt, đúng cam kết và trách nhiệm các chương trình này, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn, mang lại nhiều ý nghĩa và tạo điều kiện cho ngành ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô và kìm giữ lạm phát", ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá.
Giới phân tích cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động trực tiếp đến chi phí huy động vốn của các ngân hàng và kéo theo đó là lãi suất cho vay cũng có thể được điều chỉnh. Quan trọng hơn, đây còn là liệu pháp tinh thần rất quan trọng để củng cố niềm tin thị trường trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu ở thời điểm có nhiều biến động mạnh chưa từng có, sau sự cố Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank ở Mỹ phá sản, đóng cửa. Trong trường hợp không xảy ra các cú sốc tiền tệ toàn cầu, các chuyên gia dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ, tập trung vào việc cải thiện thanh khoản hệ thống.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng giảm và kích thích các yếu tố khác tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tăng lãi suất, thì xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam sẽ không quá mạnh, vì sẽ tác động đến tỷ giá. Do đó, mức độ giảm lãi suất thời gian tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường từ bên ngoài.
Kỳ vọng kéo giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9/3, tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022, tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ. Việc tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm không phải do áp lực thanh khoản như thời điểm quý IV/2022.
Có nhiều nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để lý giải về tín dụng tăng chậm, như: 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán; "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi COVID-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao; thị trường bất động sản khó khăn khiến nhu cầu suy giảm.
Còn theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn hiện nay, việc các ngân hàng thương mại neo lãi suất cho vay ở mức cao, đặc biệt là các khoản vay trung - dài hạn lên tới 12 - 16% thì doanh nghiệp rất khó kinh doanh có lãi. Do đó, nhiều doanh nghiệp không dám tiếp cận vốn vay trong thời gian qua mà chờ mặt bằng lãi vay hạ nhiệt mới lên kế hoạch mở rộng, đầu tư sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, không chỉ các doanh nghiệp, ngay cả các ngân hàng thương mại cũng kỳ vọng lãi suất đầu vào giảm để có thêm dư địa giảm lãi vay cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn. Vì vậy, chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vừa qua được các doanh nghiệp và ngân hàng kỳ vọng sẽ đưa mặt bằng lãi suất trở về mức dễ chịu hơn cho người vay.
Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank), việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành có lợi cho nền kinh tế, doanh nghiệp và được các ngân hàng thương mại rất ủng hộ chính sách này. Vì khi giảm lãi suất điều hành, thì lãi suất liên ngân hàng trên thị trường sẽ giảm theo. Cung tiền trên thị trường sẽ tốt hơn. Việc giảm lãi suất điều hành có thuận lợi để ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay.
"Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thị trường chung, việc giải ngân cho vay ở Sacombank cũng có những khó khăn nhất định. Chủ yếu là do mặt bằng lãi suất cao hơn năm ngoái, nên mức độ hấp thụ khách hàng chưa được thuận lợi. Hi vọng, khi lãi suất giảm, sẽ có nhiều khách hàng tới vay vốn trong thời gian tới", ông Tuệ cho biết. Hiện ngân hàng này cũng đã giảm cả biểu lãi suất huy động và lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn so với hồi đầu năm, tùy từng phân khúc, lĩnh vực.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) đánh giá cao động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và kỳ vọng chính sách này sẽ giúp kéo giảm mặt bằng lãi vay xuống mức dễ chịu hơn trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, câu chuyện lãi suất hiện vẫn là bài toán khó của các doanh nghiệp sản xuất. Tuy điều này tương quan với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, song doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có các giải pháp quyết liệt hơn trong việc kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn về mức thấp hơn. Bởi thông thường, đây là các khoản vay phục vụ cho đầu tư, mở rộng sản xuất, nếu vẫn neo ở mức trên 10%/năm như hiện nay thì doanh nghiệp rất khó kinh doanh hiệu quả.
Ngoài ra, đại diện HUBA cũng kỳ vọng các ngân hàng thương mại chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng doanh nghiệp trong lúc khó khăn này, không nên để doanh nghiệp gánh toàn bộ phần chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra như hiện nay. Đồng thời, đề nghị phía ngân hàng cân nhắc trong việc định giá lại tài sản thế chấp.
Mặc dù thị trường bất động sản chung bị ảnh hưởng, nhưng chủ yếu liên quan đến nhà ở, còn việc định giá lại nhà xưởng và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung tài sản đảm bảo với các khoản vay cũ sẽ tạo thêm áp lực rất lớn cho doanh nghiệp ở thời điểm này.