Theo thông tin tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm qua (26/2), nhiều hành vi vi phạm ở những lĩnh vực trên sẽ được bổ sung quy định về xử phạt và một số hành vi vi phạm sẽ bị tăng mức phạt.
Phạt nặng nếu sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc kiểm soát về sử dụng chất cấm trong trong thức ăn chăn nuôi là hết sức cần thiết. Do đó, tại Điều 16 đến Điều 23 của Dự thảo Nghị định đã bổ sung một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và nâng hình thức phạt tăng gấp 2 đến 3 lần so với hiện nay. Đồng thời, bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi, tiêu hủy xử lý thuốc thú y phù hợp với hành vi vi phạm.
Góp ý cho Tổ soạn thảo ở nội dung xử phạt về thức ăn chăn nuôi, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng: Phải phạt thật nặng việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, theo ông Lịch, cần bổ sung hình thức phạt là công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, vì với doanh nghiệp, bị mất thương hiệu còn nguy hiểm hơn rất nhiều việc bị phạt tiền.
Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung thêm quy định về xử phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi. Chẳng hạn, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh động vật, sản phẩm động vật sai mục đích ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch; vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng lộ trình bắt buộc khi đi qua vùng có dịch.
Đồng thời, lĩnh vực kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật trên cạn cũng bổ sung thêm một loạt các vi phạm. Đơn cử, phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng đối với hành vi sơ chế, chế biến sản phẩm động vật tại địa điểm chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tẩu tán động vật chết gây mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi đưa vào cơ sở giết mổ chưa được cơ quan thú y kiểm tra và xử lý…
Bên cạnh hình thức phạt tiền cá nhân, các tổ chức thì còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động cơ sở giết mổ, tịch thu động vật, sản phẩm động vật, hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục như: tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật. Về mức phạt, theo đại diện Tổ soạn thảo, trong kiểm soát về giết mổ và an toàn vệ sinh thực phẩm thì mức xử phạt tăng gấp 2 hoặc 3 lần so với các quy định hiện nay.
Nuôi chó thả rông có thể bị phạt 500.000 đồng
Trong Dự thảo Nghị định nêu rõ sẽ phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị. Trước đây chưa có quy định mức xử phạt này nên tình trạng chó thả rông rất khó quản lý. Theo ông Đỗ Huy Long, Phó trưởng phòng Thanh tra (Cục Thú Y - Bộ NN&PTNT), quy định đó rất cần thiết để người dân có ý thức cao hơn khi quản lý vật nuôi.
Phá hoại nguồn gen vật nuôi quý hiếm có thể bị phạt 50 triệu đồng Theo Dự thảo Nghị định, hành vi phá hoại nguồn gen vật nuôi quý hiếm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng. Việc giữ gìn và phát triển nguồn gen ở nước ta chủ yếu ở trong dân. Do đó, phải giúp người dân thực hiện hiểu về các quy định để có ý thức thực hiện tốt. |
Tán thành với quy định này, ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Theo tôi, quy định cấm chó thả rông là quy định cần thiết phải đưa vào Nghị định bởi chó là vật nuôi truyền nhiễm bệnh dại. Như mới đây, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chỉ một tháng đã có tới hơn 20 người bị chó dại cắn. Nếu xuất hiện bệnh dại mà chó cứ thả rông thì rất nguy hiểm”.
Trước băn khoăn của nhiều địa phương về tính khả thi của quy định này, ông Long chia sẻ: “Khả thi hay không là ở chính quyền thực hiện. Trên thực tế, chính quyền địa phương cũng chưa xử lý triệt để đối với việc người dân để chó thả rông. Vì thế, quan trọng là các xã, phường, thị trấn phải tích cực tuyên truyền để người dân biết về mức phạt mà thực hiện quy định cho tốt”.
Hiện việc thực hiện bắt chó thả rông đã được TP Hồ Chí Minh làm rất tốt. Còn ở các địa phương khác, chỉ khi xảy ra dịch bệnh dại mới vào cuộc để xử lý việc thả rông chó”, ông Long cho biết thêm.